Sunday, February 11, 2018

Tin tức ngày Chủ Nhật, 11.2.2018

Tin Tức

Một người tố cáo tham nhũng ở Thái Nguyên bị ghép tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’
Thứ Sáu 9/2, Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ và khởi tố nhà hoạt động Nguyễn Văn Trường, 42 tuổi, với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước. Theo cáo trạng được Báo Công An trích dẫn, thì từ tháng 6/2017, ông Nguyễn Văn Trường đã bị cho là lợi dụng cái gọi là quyền tự do dân chủ để khiếu nại, tố cáo, quay các video clip, viết bài phát tán trên Facebook với nội dung bôi nhọ, hạ uy tín, vu khống, công kích, xúc phạm một số cá nhân, cơ quan nhà nước ở trung ương và ở tỉnh Thái Nguyên. Thực tế là ông Trường đã lên tiếng tố cáo đích danh giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên đã công khai bao che cho đội trưởng đội hình sự kinh tế và ma túy, công an huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, trong việc chiếm đoạt tài sản của chính ông gồm hàng hóa và một chiếc xe hơi. Ông còn tố cáo một số viên chức công an tỉnh Thái Nguyên về tội cướp tài sản của dân, cấu kết với nhau lập đường dây chạy án, toa rập để cố tình bỏ sót tội phạm.

Bà Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, vừa được ra tù
Sáng thứ bảy 10/2, bà Cấn Thị Thêu, thủ lĩnh tinh thần của phong trào nông dân Dương Nội và cũng là người phụ nữ đấu tranh chống Formosa, đã mãn hạn tù lần thứ hai, đã rời khỏi nhà tù Gia Trung (tỉnh Gia Lai) và đã về đến nhà trong sự tiếp đón đầy hân hoan như một anh hùng của bà con dân oan Dương Nội. Bà Thêu bị bắt lần thứ hai ngày 10/6/2016 và bị tòa án ghép tội ‘gây rối trật tự công cộng’ với 20 tháng tù. Sau khi có án, bà bị chuyển đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai vùng ở Tây Nguyên.
Phái đoàn Bắc Hàn đến thủ đô Nam Hàn tham dự Olympic
Thứ sáu 09/02, Thế Vận Hội Mùa Đông đã khai mạc tại thành phố Pyeongchang của Nam Hàn trong nhiệt độ âm -20°C. Thế vận hội này sẽ diễn ra trong 17 ngày, sẽ có 2.900 vận động viên đến từ 92 quốc gia nỗ lực tranh tài qua 15 bộ môn thể thao trên băng tuyết với phần thưởng tổng cộng là 102 huy chương vàng. Thế vận hội này đặc biệt có sự tham dự của phái đoàn Bắc Hàn do Bà Kim Yo Jong, em gái lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, và ông ông Kim Yong Nam người đại diện Kim Jong Un dẫn đầu. Liên Hiệp Quốc cho phép phái đoàn cấp cao của Triều Tiên tới Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội, và miễn áp dụng các chế tài đối với chính quyền Triều Tiên. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in đã ăn trưa với đoàn Bắc Hàn hôm 10/2.
Chủ tịch Kim Jong Un Bắc Hàn mời Tổng thống Moon Jae In Nam Hàn họp thượng đỉnh
Ngày 10/02, Phủ tổng thống Nam Hàn chính thức loan báo: Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã viết thư mời tổng thống Nam Hàn Moon Jae In đến Bình Nhưỡng càng sớm càng tốt để tham dự một hội nghị thượng đỉnh. Tin này được loan ra sau cuộc tiếp xúc bên lề Thế Vận Hội Pyeongchang, giữa tổng thống Nam Hàn với một phái đoàn cấp cao của Bắc Hàn, trong đó có bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, người đã chuyển đến tận tay tổng thống Nam Hàn thư mời của Chủ tịch Bắc Hàn. Trước lời mời này, ông Moon Jae In đã phản ứng một cách thận trọng, và đòi hỏi phải «ấn định một số điều kiện cần thiết». Từ khi hai miền Nam-Bắc Triều Tiên bị chia cắt đến nay đã 70 năm, lãnh đạo hai nước chỉ mới gặp nhau hai lần, đều ở Bình Nhưỡng, vào năm 2000 và 2007. Ông Moon Jae In cũng kêu gọi chính quyền Bắc Hàn hãy nhanh chóng nối lại đối thoại với Hoa Kỳ, dù Hoa Kỳ tỏ ra không vui vẻ gì trước sự hòa dịu của Bắc Hàn đối với Nam Hàn.
Nhật Bản không chấp nhận sửa đổi thỏa thuận với Nam Hàn về các nạn nhân tình dục thời chiến tranh
Từ 1910 đến 1945, khi Nhật Bản chiếm bán đảo Triều Tiên làm thuộc địa, đã ép buộc một số phụ nữ Triều Tiên làm nô lệ tình dục. Vấn đề này lại đang bùng lên một cuộc tranh cãi gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai nước. Vào năm 2015, hai nước đã đạt được một thỏa thuận là Nhật Bản phải tạ lỗi với những người từng là nạn nhân tình dục và cung cấp một ngân quỹ trị giá 1 tỉ yen để hỗ trợ họ.
Thứ Sáu 9/2 vừa qua, trong một cuộc hội đàm, Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in nói rằng thỏa thuận này không đáp ứng được nhu cầu của những nạn nhân tình dục, nên kêu gọi Nhật Bản nỗ lực thêm để hàn gắn vết thương của họ. Nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chẳng những phản đối đề nghị sửa đổi thỏa thuận đã ký kết năm 2015, mà còn yêu cầu Nam Hàn dỡ bỏ những bức tượng những phụ nữ nạn nhân tình dục của Nhật Bản ở Mỹ, Úc và Đức.
Trung Quốc phản đối dự luật của Mỹ về quan hệ Đài Loan
Hoa Kỳ mặc dù không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng theo luật thì Hoa Kỳ phải giúp Đài Loan tự vệ và cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Vì thế, Hạ viện Hoa Kỳ đã ra một dự luật khuyến khích các quan chức chính phủ của Hoa Kỳ và Đài Loan thăm viếng lẫn nhau. Dự luật này vừa được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ thông qua và sẽ được đưa ra toàn Thượng viện biểu quyết trong tuần này. Dự luật này khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc cực lực phản đối, nói rằng nó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “một Trung Quốc” và đe dọa sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, vì thế Ttrq yêu cầu Hoa Kỳ rút lại dự luật này. Tuy nhiên Đài Loan hoan nghênh dự luật này, vì nhờ đó các quan chức cao cấp của chính phủ Mỹ có thể du hành tới Đài Loan để gặp gỡ người tương nhiệm ở Đài Loan.
11 người Uighur tị nạn có thể bị Malaysia trục xuất về Trung Quốc
Thứ Năm 8/2, hãng Reuters đưa tin: trong số 20 người trốn khỏi nhà tù Thái Lan vào năm ngoái có 11 người Uighur thuộc Tân Cương Trung Quốc đang bị câu lưu tại Malaysia, và Malaysia đang bị Trung Quốc áp lực buộc trục xuất họ về lại Trung Quốc. Thứ Sáu 9/2, Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về việc trục xuất này, và Hoa Kỳ cùng một số nước phương Tây đang cố gắng thuyết phục Malaysia đừng cưỡng bức người Uighur về lại Trung Quốc vì họ có thể bị cầm tù và tra tấn.
Trung Quốc đang bị quốc tế cáo buộc là đã tra tấn những người Uighur bị câu lưu và kiểm soát chặt chẽ tôn giáo và văn hoá của họ. Trung Quốc phủ nhận mọi hành vi sai trái. Qua nhiều năm, hàng trăm, có thể hàng ngàn người Uighur đã vượt thoát khỏi Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment