Tuesday, February 13, 2018

50 NĂM CUỘC THẢM SÁT MẬU THÂN (1968-2018)

Chuyện Nước Non Mình

Toàn thể dân Việt đang bước vào thời điểm tưởng niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân (1968-2018). Đây là sự kiện thuộc hạng đáng ghi nhớ nhất trong Việt sử vì nhiều mối liên hệ: ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết dân tộc, cuộc tấn công của Cộng sản VN bất chấp tuyên bố hưu chiến, sự thất bại thảm hại của cuộc tổng tấn công về mặt quân sự và chính trị, tội ác đã gây ra cho chính Đồng bào Việt Nam, thái độ cố chấp của Cộng sản không nhìn nhận sai phạm của họ, dù đã nửa thế kỷ.

1- Trước hết, xin nhắc lại những thời điểm then chốt: Ngày 19-10-1967, nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27-01 đến 03-02-1968 (tức 28 tháng Chạp đến 05 tháng Giêng Mậu Thân, 8 ngày). Ngày 17-11-1967, tới lượt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam –tổ chức chính trị mà trên danh nghĩa điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động “giải phóng miền Nam” nhưng thực chất chỉ là công cụ của Hà Nội– long trọng đưa ra tuyên bố tương tự.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dè dặt hơn nên mãi đến ngày 16-12-1967 mới tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ 30-01 đến 01-02-1968 (3 ngày, mồng 1 đến mồng 3 Tết Mậu Thân). Sau tuyên bố vừa kể, đa phần quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa được nghỉ phép ăn Tết, lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam được bãi bỏ…
Thế nhưng đêm 29 rạng ngày 30-01-1968 –đúng thời điểm Giao thừa âm lịch– nhiều đơn vị quân đội và du kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà đồng loạt nổ súng, mở đầu cái gọi là cuộc “Tổng công kích–Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968”; ở các chiến trường còn lại –do hiểu khác– đã khởi chiến đúng vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức đêm 1 tết theo lịch miền Nam). Và chỉ trong vòng 2 ngày, chúng đã tiến vào 41 thành phố, thị xã, 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế, nghĩa là đánh vào các khu dân cư. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng đều choáng váng trước kiểu “tự nguyện ngừng bắn” này của Việt cộng.
Choáng váng là phải, vì Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay đều xem Tết có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Bởi lẽ đó không những là thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới theo định luật của trời đất, nhưng quan trọng hơn, trong văn hóa dân tộc, đó là thời gian dành cho đoàn tụ gia đình, yêu thương hòa giải, cầu mong an lành cho nhau và hy vọng tương lai tốt đẹp. Đó là lúc người ta đốt nén hương dâng lên tổ tiên và những người đã khuất trong niềm tưởng nhớ các kỷ niệm và lời giáo huấn; đó là lúc cha mẹ con cái sum vầy trong tinh thần xí xóa chuyện cũ, sống giây phút hiện tại cách đầm ấm, bên những thức ăn ngon lành và ý nghĩa hay qua những trò vui mang bản sắc văn hóa dân tộc; đó là lúc mọi người cầu chúc cho nhau và hứa hẹn với nhau những điều tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và lịch sử bao cuộc chiến tranh trên đất nước, Việt cộng đã tung ra một cuộc tấn công những người cùng da vàng máu đỏ tại các khu vực cư dân đông đúc vào chính những giờ khắc linh thiêng nầy. Tiếng pháo đã chen lẫn tiếng súng! Rượu hồng đã hòa vào máu đỏ! Bánh tét đã trộn lẫn với thịt người !
2- Nhằm kỷ niệm 50 năm biến cố ấy, đảng và nhà nước VC đã làm lễ ăn mừng sáng ngày 31 tháng 01 tại Hội trường Thống nhất, thành Hồ, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”. Trước đó họ đã đồng loạt tổ chức “Hội thảo khoa học cấp quốc gia” với đề tài “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, và tung ra 2 bài viết ca tụng cái gọi là “chiến thắng” trong chiến dịch này của Chủ tịch nước VC Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Mục đích của Hội thảo được Thượng tướng VC Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xác định: “Góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH), lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Dĩ nhiên đó chỉ là tuyên truyền xuyên tạc và nhồi sọ!
Tại cuộc Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy HCM phối hợp tổ chức ngày 29-12-2017 tại Sài Gòn, nơi có các mục tiêu quan trọng bị tấn công như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sàì Gòn, các diễn giả đã tận lực khoe khoang cho cái gọi là “giá trị của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ; khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch HCM; tái hiện diễn biến và những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc tổng tiến công, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam…”. Ngô Xuân Lịch thì huênh hoang nhận định: “Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ…”. Không chỉ có thế, ông Lịch còn bịa thêm rằng: “Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng xây dựng LLVT ba thứ quân, nhất là xây dựng bộ đội chủ lực từng bước phát triển lớn mạnh. Theo đó, đến cuối năm 1967, lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam đã phát triển lên 278.000 người, được tổ chức thành 190 tiểu đoàn chiến đấu, bố trí bí mật trên khắp các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố tạo sức mạnh trực tiếp, quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta về xây dựng LLVT nhân dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc.”
Làm gì có cái gọi là “Lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam” do chính người miền Nam lập ra để hình thành “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”! Thật ra đa số trong đội ngũ này là của miền Bắc được đào tạo đưa vào Nam, phối hợp với 30 đến 40 ngàn bộ đội VC được giữ lại trong Nam mà không tập kết ra Bắc theo điều kiện của Hiệp định Geneve 1954, rồi nhập chung với du kích miền Nam để cùng đội mũ tai mèo, đi chân đất, mặc quần xà lỏn, bận áo bà ba đen và tới đâu cũng khoe là “quân giải phóng”. Chính đạo quân “nằm vùng” này là lực lượng nòng cốt để Hà Nội thành lập cái gọi là Quân đội Giải phóng và Mặt trận Giải phóng miền Nam tay sai ngày 10-12-1960. Ngô Xuân Lịch cũng không ngần ngại cho rằng VC đã chiến thắng dòn dã ở Huế như sau: “Đặc biệt, với 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế đã khẳng định sức mạnh của LLVT ba thứ quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam anh hùng”. Trong “Lễ kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức với Sở Giáo dục hôm 15-11-2017, VC còn khoe khoang một cách trâng tráo lố bịch: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Cần Thơ chủ yếu tập trung tại vị trí lịch sử Lộ Vòng Cung, kéo dài trong 3 đợt, từ ngày 30-01 đến ngày 30-09-1968, loại khỏi vòng chiến 25.000 tên địch, phá hủy 228 máy bay, cùng nhiều đồn bốt, súng các loại ?!?
3- Điều lạ là tất cả nội dung VC dành tung hô biến cố MT đã không có một chữ hay con số nào nói lên sự tổn thất lớn lao của bộ đội miền Bắc và quân du kích trong Nam. Nhưng người ta còn nhớ khi bộ phim tài liệu dài 12 tập “Mậu Thân 1968” (đầy dối trá vì phủ nhận việc thảm sát thường dân và các hố chôn người) được bắt đầu chiếu trên đài Truyền hình VN từ ngày 25-01-2013, nữ đạo diễn Lê Phong Lan đã cho biết lý do làm phim trễ: nhà cầm quyền VC coi vụ Mậu Thân là “vấn đề nhậy cảm” chẳng ai muốn nói đến. -Lê Phong Lan nói- Đó là vì “sự tổn thất của quân đội nhân dân Việt Nam ở sự kiện này quá nhiều. Tâm sự với tôi khi trả lời phỏng vấn, nhiều chỉ huy các sư đoàn dạn dày chiến trận còn khóc nức lên vì thương lính. Đó là lý do duy nhất”.
Huế ngày 04-02-2018
Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi.

No comments:

Post a Comment