Friday, December 1, 2017

NHỮNG TÁC HẠI CỦA VIỆC QUÂN ĐỘI LÀM KINH TẾ

Quan Điểm

Thưa quý thính giả,
Tuần qua, khi Quốc hội CSVN thảo luận về Luật Quốc Phòng, vấn đề nóng bỏng được nhiều người chú ý là chuyện “quân đội làm kinh tế”. Trong cuộc thảo luận, để vận động cho đặc quyền này, nhiều tướng lãnh đã nêu ra các lợi ích của việc lực lượng quân đội trực tiếp tham gia vào lãnh vực sản xuất hàng hoá, dịch vụ. Nào là đây là cách thức tận dụng sự đóng góp của nhân dân, lúc chiến tranh thì chiến đấu, thời bình thì sản xuất. Nào là chỉ có các đơn vị quân đội mới có khả năng và điều kiện khai thác tài nguyên ở các vùng xa, hiểm trở, nơi mà người dân bình thường không léo hánh đến. Nào là nhiều công ty do quân đội nắm giữ đã thành công vượt bực, giúp làm tăng thêm tổng sản lượng quốc gia.

Hiện tượng quân đội làm kinh tế không phải chỉ có ở Việt Nam. Một số các nước khác, chẳng hạn như Trung Cộng, Thái lan, Miến Điện, quân đội cũng trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Tại Trung Cộng, nhiều đơn vị quân đội kinh doanh trong các lãnh vực hàng không, điện tử, kỹ nghệ nặng. Tại Thái Lan, ngoài việc trực tiếp điều hành một số xí nghiệp, quân đội còn ảnh hưởng đến nền kinh tế qua việc nhiều tướng lãnh về hưu nắm giữ các chức vụ chỉ huy các cơ sở kinh doanh quan trọng. Tại Miến Điện, sản lượng các các cơ sở kỹ nghệ, kinh doanh do quân đội làm chủ, đã có lúc được ước lượng lên đến gần 30% tổng sản lượng quốc gia.
Sự kiện quân đội –một lực lượng có mục tiêu bảo vệ an ninh của đất nước, lại trực tiếp tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa đến nhiều bất cập.
Về lãnh vực kinh tế thuần tuý, sự kiện này đi ngược lại nguyên tắc “chuyên nghiệp”, một nguyên tắc căn bản hàng đầu của hoạt động sản xuất kinh tế. Phải chuyên nghiệp thì sản phẩm mới tốt, và giá thành mới thấp và nền kinh tế mới tối hiệu.
Cũng trong lãnh vực sản xuất kinh tế, sự kiện này còn vi phạm nguyên tắc “tự do cạnh tranh”. Quân đội, vì đông đảo, kỷ luật, lại nắm giữ vũ khí, nên lúc nào cũng có ưu thế vượt trội so với với các tổ chức tư nhân. Vì vậy nếu cạnh tranh, các tổ chức tư nhân luôn bị lép vế. Tình trạng này khiến nền kinh tế kém hiệu quả, không tận dụng được tối đa các yếu tố sản suất.
Về mặt xã hội, mặc dù nói là “quân đội làm kinh tế” nhưng lợi lộc từ đặc quyền này chỉ lọt vào tay thành phần chóp bu của quân đội, tức hàng tướng lãnh và phe nhóm. Còn đa số quân nhân vẫn thuộc thành phần nghèo khó trong xã hội. Nói cách khác, nó đã làm gia trọng thêm tệ nạn tham nhũng, thối nát, bất công trong xã hội.
Các bất cập trên thật hiển nhiên, ai cũng nhận biết. Thế nhưng tại sao các quốc gia này vẫn tiếp tục duy trì tình trạng “quân đội làm kinh tế”?
Câu trả lời nằm ở hệ thống chính trị của các nước này! Thật vậy nếu nhìn qua lăng kính chính trị, các quốc gia kể trên đều có một mẫu số chung. Đó là hệ thống chính trị có tính cách độc tài. Thái Lan và Miến Điện là loại độc tài quân phiệt, còn Trung Hoa và Việt Nam thuộc loại độc tài cộng sản. Đối với độc tài quân phiệt, quân đội làm kinh tế vì quân đội nắm quyền lực nên dùng quyền lực để làm lợi cho mình. Đối với độc tài cộng sản, đảng cộng sản ban phát ân huệ cho quân đội để đánh đổi sự phục tòng của lực lượng này.
Trường hợp Việt Nam, tất cả các bất cập trên đều thể hiện rất rõ ràng. Nền kinh tế Việt Nam èo ọp, lụn bại trong nhiều năm qua nói chung là do lãnh vực quốc doanh, trong đó có các xí nghiệp do quân đội làm chủ, đã hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả. Trường hợp thành công của công ty Vietel chỉ là hạn hữu và phần lớn là nhờ ảnh hưởng áp đảo của quân đội đối với các xí nghiệp tư nhân cạnh tranh trong cùng lãnh vực.
Vụ sân golf và khu giải trí của quân đội tại phi trường Tân Sơn Nhất đã khiến không thể mở rộng phi trường này là một ví dụ điển hình cho thấy sự kiện “quân đội làm kinh tế” đã gây tác hại đến nền kinh tế quốc gia như thế nào.
Và trường hợp con trai đại tướng Phùng Quang Thanh là đại tá Phùng Quang Hải, giám đốc công ty xây dựng 319, nguyên là Sư đoàn 319, làm chủ bao nhiêu dinh thự nguy nga đã nói lên tình trạng thối nát, nhũng lạm hậu quả của việc “quân đội làm kinh tế”.
Chính vì ý thức được các tác hại của việc “quân đội làm kinh tế”, các nước có nền dân chủ chân chính đều chủ trương quân đội chẳng những không được tham gia các đoàn thể chính trị, mà còn tuyệt đối không liên hệ đến các hoạt động mang tính sản xuất, kinh doanh. Nguyên tắc này vừa để bảo đảm sự trong sáng của bộ máy cầm quyền, vừa giúp nền kinh tế vận hành tối hiệu.
Đất nước Việt Nam, muốn khai phóng và tiến bộ, cũng phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tắc này. Để đạt được mục tiêu này, trước hết là phải loại bỏ đảng CSVN khỏi ngôi vị lãnh đạo độc tôn như hiện nay.
LLCQ

No comments:

Post a Comment