Friday, October 13, 2017

Tinh Gọn Và Hiệu Quả Bộ Máy Chính Trị Việt Nam

Quan Điểm


Thưa quý thính giả,
Hội nghị kỳ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN đã diễn ra từ ngày 4 đến ngày 11 tháng 10 vừa qua. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu 3 mục tiêu chi’nh mà 200 uỷ viên của cơ cấu lãnh đạo này sẽ thảo luận và quyết định. Đó là:
– Thứ nhất, quyết định về các vấn đề ngân sách, tài chánh, phát triển kinh tế cho năm 2018;
– Thứ hai, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số;
– Và thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mặc dù được nêu là mục tiêu cuối cùng, nhưng việc “sắp xếp lại bộ máy chính trị tinh gọn, hiệu quả” lại là mục tiêu quan trọng nhất. Sự quan trọng này đã được Đảng CSVN tiết lộ bằng nhiều hình thức khác nhau. Trực tiếp là qua những phát biểu của các quan chức lãnh đạo Đảng hoặc bài báo trên các cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng. Và gián tiếp qua những bài phỏng vấn các nhân vật dù không còn trong guồng máy cầm quyền, nhưng vẫn có ít nhiều vai vế, ảnh hưởng.
Điển hình như phát biểu của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi trả lời cuộc phỏng vấn báo Tuổi Trẻ ngày 26 tháng 9, trong đó có câu “Phải tinh giản, đổi mới bộ máy chính trị. Không có đường lùi. Tình hình bây giờ như cốc nước đã tràn! Lùi là chết, là trì trệ công viêc.”
Sở dĩ đây là mục tiêu hàng đầu của kỳ họp Ban chấp hành Trung ương này vì bộ máy cai trị đất nước quá khổng lồ dẫn đến tình trạng ngân sách quốc gia không thể nào gánh nổi. Chính thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã phải thú nhận trong trong hội nghị tổng kết ngành tài chính vào ngày 6 tháng 1, 2017 vừa qua là, xin trích, “Tôi nghe chuyên gia báo cáo, cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi”.
Tính cách khổng lồ của bộ máy chính trị Việt Nam hiện hành thể hiện qua con số hơn 58,000 cơ cấu với 2 triệu 500 nghìn nhân viên, hay còn gọi là “biên chế”. Đó là chưa kể lực lượng quân đội với gần nửa triệu người và lực lượng an ninh với hơn 1 triệu 200 nghìn công an viên chính thức. Các con số này không bao gồm một lực lượng hùng hậu “dân phòng” dùng để theo dõi, nghe ngóng những cá nhân, tổ chức mà Đảng CS nghĩ là có tưởng và hành động chống lại Đảng. Lực lượng này, theo nhiều tài liệu nghiên cứu của các nước tây phương, có thể lên đến cả tiệu người!
Trong thời gian qua, số lượng cơ cấu và nhân viên kể trên không những không giảm mà còn gia tăng, như nhận xét của ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trả lời báo chí trong nước ngày 6 tháng 10 vừa qua, xin trích: “Biên chế phình to hơn cả thời bao cấp!Những năm 60-70 chỉ có một thủ trưởng đứng đầu, cấp phó chỉ từ 1 đến 2 chứ không nhiều như bây giờ; Có bộ có lúc lên tới 9-10 thứ trưởng, có những cục 1 vụ trưởng nhưng mấy vụ phó, nhiều hơn cả số chuyên viên. Cấp tỉnh cũng một giám đốc sở có 5-6 phó giám đốc…”
Tình trạng này là hậu quả tất yếu của chế độ độc tài toàn trị Cộng Sản.
Trước hết, bộ máy cai trị quan liêu và cồng kềnh vì phải chịu hai hệ thống, đảng và nhà nước. Tình trạng này không những gia tăng số cơ sở, quan chức và nhân viên mà còn xẩy ra tình trạng chồng chéo trách nhiệm, thủ tục hành chánh nặng nề, cũng như tình trạng “cha chung không ai khóc!”.
Thứ đến, trong một xã hội mà luật lệ chỉ phục vụ cho những kẻ quyền thế thì việc bổ nhiệm nhân sự là một hình thức ban phát bổng lộc, ơn huệ cho thân nhân, phe cánh. Tệ nạn cả chục thành viên một gia đình đảng viên nắm giữ các chức vụ trong một địa phương đang diễn ra nhan nhản ở khắp nơi!
Nhưng quan trọng nhất là tình trạng đảng CSVN độc quyền làm chủ nhân ông đất nước, đứng trên và đứng ngoài luật pháp, không chịu sự kiểm soát, chế tài của một cơ quan độc lập nào. Vì vậy, tập đoàn lãnh đạo Đảng mặc tình sử dụng tài nguyên quốc gia, tiền đóng thuế của dân chúng để vừa làm giầu cho cá nhân, vừa ban phát, chia chác cho phe nhóm để củng cố, giữ vững chiếc ghế độc tôn lãnh đạo của Đảng.
Cũng chính vì lý do đó mà công việc gọi là “sắp xếp bộ máy chánh trị cho tinh gọn, hiệu quả” đã nhiều lần được Đảng đề ra nhưng kết quả thi hành vẫn là số không to tướng! Lý do được viện dẫn cho việc thất bại là “Công tác tổ chức bộ máy là vấn đề lớn, rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định trong phát biểu kết thúc Hội Nghị Trung ương 6.
Vì vậy, chỉ có một cách duy nhất để làm cho bộ máy chính trị Việt Nam thực sự tinh gọn và hiệu quả – đó là loại bỏ đảng CSVN ra khỏi ngôi vị lãnh đạo độc tôn!

Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment