Tuesday, August 1, 2017

THẤT THOÁT TÀI SẢN QUỐC GIA

Bình Luân

Trong một hội nghị cách đây không lâu, phó thanh tra nhà nước Nguyễn Đức Hạnh đã lên tiếng báo động về tình trạng thất thoát tài sản quốc gia, đặc biệt là trong lãnh vực đất đai và các tập đoàn kinh tế quốc doanh.
Ông Hạnh cho biết là cơ quan ông chỉ mới thanh tra một vài địa phương nhưng đã phát giác ra các vụ thất thoát ở mức kinh khủng. Theo bản phúc trình thì trong vòng 6 tháng qua, giới thanh tra đã tìm thấy 49 vụ vi phạm lên đến hơn 1 tỷ Mỹ kim và hơn 5 ngàn mẫu đất bị mua bán bất hợp pháp. Ngoài ra còn phát giác được 47 vụ tham nhũng, có dính líu đến cả 100 quan chức.
Điều đáng chú ý là ông Nguyễn Đức Hạnh tuyên bố rằng cơ quan ông không có thẩm quyền giải quyết các vụ tham nhũng, và rất nhiều địa phương vẫn còn giấu diếm, không chịu công bố minh bạch sổ sách nên không thể thanh tra rõ ràng.
Nghe mẩu tin ngày 18/7 trên đài ĐLSN: “Trong một hội nghị vào tuần qua, phó thanh tra nhà nước Nguyễn Đức Hạnh đã lên tiếng báo động về tình trạng thất thoát tài sản quốc gia, đặc biệt là trong lãnh vực đất đai và các tập đoàn kinh tế quốc doanh”, ta có cảm nghĩ gì?
Rõ ràng “Thượng bất chánh, hạ tắc loạn”
Vừa mỉa mai, vừa khôi hài, vừa châm biếm và vừa bỉ ổi.
Với đầu óc một người bình thường người ta cũng không thể hình dung ra những quái chiêu làm ăn cướp bóc có bảo kê hợp pháp rồi sàng xê, xào nấu phù phép hô biến đến nỗi phép thần thông của lão Tôn Ngộ Không Tề Thiên cũng đành chào thua.
Thời đại kẻ gian dối, lưu manh, xảo quyệt, tham lam, biển lận, vô học mà cầm cân nảy mực luật pháp với vũ khí và bạo lực khủng bố trong tay thì chuyện thất thoát tài sản quốc gia nhiều hay ít, lớn hay nhỏ là chuyện thường tình, nói theo ngôn ngữ thời đại là “chuyện thường ngày ở huyện”.
– Theo cái báo cáo của Phó Thanh Tra nhà nước là mới có thanh tra vài địa phương thôi mà đã phát giác ra những thất thoát tài sản kinh khủng. Tính ra hàng nhiều tỷ đôla. Đây mới chỉ là vài vụ lẻ tẻ. Như vậy phải có nhiều vụ lớn hơn, vĩ đại hơn.
– Phải chăng vĩ đại nhất là việc ký kết Hiệp Ước Thành Đô thời Nguyễn văn Linh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười? Công hàm bán nước mà Phạm văn Đồng đã xác nhận chủ quyền của Tàu cộng trên Hoàng Sa, Trường Sa?
– Tại sao những chuyện mua bán đất đai dính líu đến hàng trăm quan chức nhà nước mà làm như cái mụn ghẻ trên da vậy, phải chăng đó chỉ là chuyện nhỏ, giải quyết nội bộ, làm um xùm ra mất uy tín cán bộ và nhà nước sao?
– Điều lạ lùng nhất là ông Phó Thanh Tra lại tuyên bố cơ quan ông không có thẩm quyền giải quyết những vụ tham nhũng đó. Thế thì “đẻ” ra cái bộ máy thanh tra làm gì cho tốn ngân sách nhà nước? Mọi người đều thừa biết đây chính là ổ tham nhũng khổng lồ mà? Hạnh tuyên bố thật hồ đồ, vô trách nhiệm nhưng Hạnh ôm chặt chức vụ không rời, tiền hối lộ chắc chắn là tiền thật.
– Ban thanh tra không phủ nhận là không có thất thoát, nhưng nêu lên mấy sự việc lẻ tẻ như thế này phải chăng giới chức hay cơ quan nào đó chủ trương “rung cây nhát khỉ”. Đứa nào mà có tật thì nhúc nhích, lo chạy thuốc đi, để vừa có của vừa giữ được cái ghế đang ngự trị hầu tiếp tục vơ vét những canh bạc đang tới hồi tàn cuộc.
– Thật là chuyện ngây thơ cụ, ấu trĩ, đóng kịch rẻ tiền. Ban Thanh Tra đã biết “nhiều địa phương còn dấu diếm, không chịu công bố minh bạch sổ sách nên không thể kiểm tra rõ ràng”. Thật chẳng ra làm sao cả!
Từ thượng tầng kiến trúc bộ máy cai trị của đảng cầm quyền cho đến các bộ máy cơ quan chính quyền, cơ sở hạ tầng thuần một phường giả trá lưu manh bịp bợm nên mới có những bản báo cáo nhập nhằng chẳng ra cái thể thống gì. Chẳng nói lên được bất cứ điều gì rõ ràng. Ai chịu trách nhiệm? Ai ký lệnh Thanh Tra? Kết quả sẽ đi về đâu? Hay là sau khi “khua trống dộng mõ”, phèng la inh ỏi, trống dong cờ mở thì mọi sự lại vẫn y nguyên như trở lại thời tiền sử.
Dĩ nhiên những núi tiền tham nhũng được tính bằng đô la sẽ không đi vào ngân khố nhà nước hay bất cứ người dân thường nào được thụ hưởng, cũng chẳng nằm trong két sắt cơ quan, mà những núi đôla đó sẽ được chuyển về các ngân hàng bên Thụy Sĩ, Porto Rico, Virgin Islands, Hoa Kỳ, Úc, Canada… hay chúng biến thành bất động sản, cơ sở thương mại, biệt thự ở đâu đó trong các nước chúng thường gọi là “tư bản đang giãy chết” ngoại trừ các nước Đông Dương kể cả Trung Hoa là không có chuyện ký thác đầu tư này.
Những đường dây buôn tiền, rửa tiền sẽ có cơ hội rộ lên như nấm. Kiến thức thì hẹp té, làm việc thì chỉ có thụt lùi, cải lùi chứ cải tiến cái nỗi gì. Nhưng mưu sĩ, ma giáo, lưu manh đòn phép tư lợi cá nhân thì chúng có thừa bản lãnh để luồn lách qua các cửa ải còn hơn lươn chạch.
Cái gì bán được thì cứ bán vì đây là những canh bạc chót, màn trình diễn cuối cùng trước khi hạ màn vãn tuồng cho sự cáo chung của một chế độ thối nát, độc tài, vô học. Chúng phải vội vàng vơ vét cho thật nhiều, sau đó kiếm cách “hạ cánh an toàn” để sống một đời vinh thân phì da, con cháu còn được hưởng những gì cha ông chúng tích cóp trong những năm cầm quyền tham nhũng hối lộ. Còn bọn dân đen có ra sao, đất nước có thế nào, ai vào đây mà truy cứu, điều tra khi ta đã an toàn ở một phương trời xa lạ. Nếu chúng mai danh ẩn tích nữa thì chỉ còn nước “bắc thang lên hỏi ông trời”.
Tuy nhiên chúng quên khuấy một điều là ông bà ta đã từng khuyên con cháu: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” nghĩa là: Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Những câu nói đó không phải ngày một ngày hai mà có. Nó tích lũy cả hàng bao nhiêu đời của tổ tiên ta truyền lại dạy con cháu để làm bài học răn đời./.
Mưa Nguồn

No comments:

Post a Comment