Tuesday, August 8, 2017

Đời sống khó khăn của lao động miền Trung

Chuyện Nước Non Mình

Kể từ lúc các tỉnh Bắc miền Trung xuất hiện các nhà đầu tư Trung cộng với hàng loạt dự án hứa hẹn về đời sống ấm no, phát triển, văn minh, tiến bộ cho người dân nơi đây, cho đến nay có thể nói rằng đời sống của người lao động Bắc miền Trung ngày càng trở nên bi thảm, khó nói. Tình trạng người lao động ở đây bị ép chế, bị thất nghiệp và bị thiệt mạng không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu tăng cao trong thời gian gần đây.

Giới công chức nói gì?
Một cán bộ công chức ngành Lao động và Thương Binh, xã hội tại Quảng Bình, bộc bạch cảm nhận của ông và yêu cầu không nêu danh tính:
“Bảo vệ người lao động ở Việt Nam là một vấn đề nhức nhối mà không nói thì không được mà nói thì đụng chạm. Nhưng rõ ràng cái gì thì con người phải được đặt lên trên hết, không riêng gì vụ hai anh thủy thủ vừa rồi bị Abu Sayyaf giết hại bên kia mà ngay cả lao động trong nước cũng bị giới chủ ép chế đủ điều”. Theo vị này, người lao động Việt Nam, dù có soi chiếu trên bất kỳ góc độ nào cũng thấy họ thiệt thòi và đau khổ. Đặc biệt, kể từ khi vụ các công nhân bị sập giàn giáo ở Formosa, rồi hai công nhân của mỏ đá ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bị đá đè chết mà báo chí hoàn toàn không có tin tức gì / bởi đây là một công ty của Ấn Độ làm chủ đầu tư, họ không cho báo chí vào và họ đã thu xếp ổn thỏa. Và gần đây / vụ hai thủy thủ người Việt Nam là Hoàng Trung Thông / Hoàng Văn Hải bị Abu Sayyaf sát hại ở Phillipines và vụ các công nhân lao động Việt Nam vượt biển từ Tàu sang Đài Loan để làm thuê, nhưng bị chìm tàu, mất tích trên eo biển Đài Loan… Những chuyện này khiến ông cán bộ công chức đó đau lòng và cảm thấy bản thân mình có lỗi mặc dù ông chưa từng tiếp xúc hay có trách nhiệm liên đới nào với họ.
Với ông, chuyện bưng bít thông tin về số phận các lao động bị bắt cóc, bị giết là một việc làm phi đạo đức, thiếu tình người, dù đứng trên góc độ nào để đánh giá cũng thấy như vậy. Ông nói rằng người Việt hiện nay có thể xấu về tính cạnh tranh, xấu về tính đấu tố, xấu về tính bạo lực cũng như nhiều thói xấu khác theo định hướng xã hội chủ nghĩa đầy khốc liệt do phe nhóm gieo rắc / nhưng người Việt vẫn giữ trong tâm hồn mình một nét đẹp không phải dân tộc nào cũng có được, đó là tính chia sẻ, điển hình là trận hồng thủy do thủy điện xả đập cuối năm 2016 đã được cộng đồng người Việt hải ngoại và người Việt trong nước chung tay cứu giúp rất mạnh.
Bao giờ người lao động thôi khổ đau?
Một người tên Nguyên, từng làm công nhân trong công trình xây dựng Formosa Hà Tĩnh, chia sẻ: “Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, ai cũng vất vả, giá thị trường giờ bấp bênh quá /có đủ hạt gạo để ăn nhờ mình tự trồng là quý lắm rồi. Đã không có tiền / nhưng luôn bị các khoản đóng góp như làm đường rồi các khoản nhà nước yêu cầu đóng thêm thì nhiều lắm. Tin tức thời sự thì vẫn nói là hải sản tầng đáy chưa khai thác được. Người quen của tôi dựa vào biển để sống giờ không biết làm gì. Các vùng thì ô nhiễm, như vùng Hương Khê này thì rác thải nó đổ đầy đường”.
Ông Nguyên nói rằng cái điều mà người ta gọi là phát triển ở Hà Tĩnh, theo ông thấy chẳng có gì ngoài giá đất tăng vùn vụt. Mà giá đất tăng thì người ta bán đất để rồi kinh doanh hay mua sắm, thậm chí để ăn chơi… điều đó có cảm giác như tâm trạng của người ta bị đảo lộn bởi phần văn hóa, phần tính người chưa kịp trở tay với một cục tiền lớn rơi vào nhà. Cuối cùng thì anh em cạch mặt nhau vì đất đai, cha mẹ, con cái không nhìn nhau cũng vì chia chác đất đai và thậm chí anh em sát hại nhau cũng vì đất đai.
Ngoài yếu tố gia đình bị phá vỡ, mối tương quan giữa nhà nước và nhân dân cũng bị phá vỡ hoàn toàn bởi cán bộ thì gian trá với dân, nhà đầu tư thì mượn hơi công an để đàn áp dân, cuối cùng, kẻ được lợi là các nhà đầu tư người nước ngoài, trong đó kẻ được nhiều nhất vẫn là nhà đầu tư Trung cộng.
Hiện tại, các gia đình ngư dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn kể từ sau khi biển miền Trung bị nhiễm độc, các người lao động ở đây phải trốn sang Lào, Tàu để làm thuê cứu gia đình và mối nguy hiểm từ việc này không phải là nhỏ./.
Nhóm Phóng viên VN

No comments:

Post a Comment