Wednesday, June 21, 2017

Vụ phi trường Tân Sơn Nhất bị quá tải -một ví dụ điển hình của tầm nhìn hạn hẹp và lòng tham vô đáy

BìnhLuân

Giữa vô số vụ tiêu cực, tham nhũng, phá hoại đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước VN, “cuộc chiến” của báo chí với sự ủng hộ của dư luận, trong việc đòi lại phần đất đã bị Bộ quốc phòng chiếm dụng xây sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua, vẫn là một trong những điểm nóng.

Vì sao? Vì sự ngang nhiên, trắng trợn của những kẻ đứng đằng sau cái dự án sân golf tiếp tục tồn tại bất chấp dư luận đã lên tiếng từ bao lâu nay này. Vì sự phi lý không thể chấp nhận của việc lấy đất sân bay xây sân golf phục vụ một thiểu số người có tiền, trong khi hàng ngày hàng giờ phi trường Tân Sơn Nhất bị quá tải, từ đường đi vào cho tới đường băng cất cánh hạ cánh, chỗ đỗ máy bay… Khiến hàng vạn con người phải mệt mỏi vất vả mỗi khi ra, vào sân bay, cửa ngõ vào Tân Sơn Nhất luôn bị kẹt cứng hàng tiếng đồng hồ, sân bay thì ngập nước, những chuyến bay đến phải bay lòng vòng vì không có chỗ hạ cánh, những chuyến bay đi phải bị delay cũng vì không có chỗ cất cánh, máy bay không có chỗ đậu qua đêm…
Báo chí những ngày qua, nhất là báo Tuổi Trẻ, đã rất tích cực chiến đấu. Hàng loạt bài báo được tung ra.
Nhưng liệu báo chí, người dân và lẽ phải có chiến thắng? Kinh nghiệm từ bao nhiêu năm nay dưới chế độ độc tài tham nhũng nặng nề này cho thấy câu trả lời sẽ là không. Thật sự ra, quyền lợi của đất nước, của dân tộc hay tiếng nói của người dân chả bao giờ được đếm xỉa tới ở xứ này. Chẳng qua lâu lâu phe này đánh phe kia rồi bật đèn xanh cho báo chí đánh một vụ nào đó, rồi một thời gian sau bọn họ tự thương lượng, chia chác lại với nhau, thế là mọi việc lại “chìm xuồng”. Vụ cho phép báo chí chĩa mũi dùi vào dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng vậy thôi.
Trong bài hát “Quốc tế Ca”, bài ca tranh đấu nổi tiếng của những người công nhân theo xã hội chủ nghĩa, một thời được các thành phần cách mạng và các nước XHCN cũ, từ Liên Xô cho tới VN sử dụng để nêu cao tinh thần cách mạng, tình thần đoàn kết toàn khối vô sản thế giới. Bài hát được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Còn nhớ lời tiếng Việt có những đoạn như sau:
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
….
Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành
Toàn nô lệ vùng đứng lên đi.
Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa
Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình.
“Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Cái mục đích tối thượng của mọi cuộc cách mạng do người cộng sản lãnh đạo nhằm lật đổ chế độ phong kiến, chế độ tư bản là thế. Là giành lại, cướp lại mọi thứ, là vì “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”. Thực tế ở bao nhiêu nước XHCH cũ hay ở Trung Quốc, Việt Nam bây giờ là thế. Làm “cách mạng” không phải để giải phóng nhân dân khỏi sự cực khổ, áp bức mà là để “giải phóng” chính họ, những người cộng sản khỏi sự đói nghèo túng thiếu. Điều này rất rõ khi những người cộng sản chiếm được Sài Gòn, chiếm được miền Nam.
Làm “cách mạng”, lật đổ một chế độ nhưng lại xây dựng nên một chế độ mới tham nhũng hơn, tồi tệ, đàn áp dân hơn gấp nhiều lần. Với đảng cộng sản VN, làm “cách mạng” cũng chẳng phải để “giải phóng” người dân khỏi xiềng xích nô lệ nào hay đem lại độc lập, tự do cho đất nước mà ngược lại, còn ràng buộc đất nước này vào cái vòng lệ thuộc Trung Cộng lâu dài, dâng lãnh thổ lãnh hải VN cho Trung Cộng, biến cơn ác mộng 1000 năm đô hộ giặc Tàu xa xưa lại trở về rõ ràng hơn bao giờ hết.
Vụ chiếm dụng sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là một trong vô số ví dụ của việc đặt quyền lợi của một nhúm người lên trên quyền lợi của đất nước, việc sự dụng tùy tiện tài sản chung của quốc gia cho những mục đích tư lợi riêng, không thể kể xiết.
Nhưng ngoài chuyện phẫn nộ về chuyện phi trường TSN bị chiếm dụng, những người thực tâm yêu Sài Gòn còn xót xa vì một lẽ khác nữa, đó là viễn cảnh một ngày nào đó TSN chỉ còn là một phi trường nội địa, sẽ biến mất luôn cái tên phi trường quốc tế TSN đã từng là niềm tự hào trong khu vực Đông Nam Á, từng là một địa chỉ bay đi và đến quen thuộc của khách nước ngoài cả trăm năm nay.
Biết rằng việc xây sân bay quốc tế Long Thành có những cái lý của nó, nhưng thật ra nếu nhà cầm quyền không chiếm dụng đất của TSN ngay từ đầu, thì với quỹ đất khá rộng kia không những đủ cho một sân bay quốc tế thuộc loại trung bình, mà còn có hành lang an toàn với khu dân cư xung quanh, không đến nỗi nhà dân sát với phi trường như hiện nay vừa uy hiếp an toàn bay vừa không an toàn cho người dân, và không còn đất đâu để phát triền nữa. Một thành phố xấp xỉ 10 triệu dân, là đầu tàu của cả nước trong nhiều lĩnh vực mà không có nổi một sân bay quốc tế là điều đáng tiếc. Chưa kể, về mặt tình cảm, mất đi phi trường quốc tế TSN cũng lại thêm một điều mất mát nữa, bên cạnh vô số những cái mất mát của Sài Gòn trong những năm qua…
Một chế độ độc tài bất lực và tham nhũng nặng nề như chế độ do đảng cộng sản VN cầm quyền cũng giống như một con nghiện quen ăn không thể dừng lại, khi nào nó còn tồn tại thì tất cả những câu chuyện như vụ phi trường TSN bị chiếm dụng sẽ không bao giờ có thể chấm dứt./.
Song Chi

No comments:

Post a Comment