Saturday, June 10, 2017

“Luật tín ngưỡng tôn giáo” không được hoan nghênh

QuanĐiểm

Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo đã được quốc hội CSVN thông qua ngày 18/11/2016, và sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018. Ngày 1/6/2017, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã phổ biến một bản nhận định, nêu lên những điểm tiêu cực về luật này. Mời quí thinh giả theo dõi qun điểm của LLCQ về những nhận định nói trên, qua sự trình bày của Hải Nguyên sau dây
Thưa quí thinh giả,
Trước khi quốc hội CSVN biểu quyết thông qua dự luật về tín ngưỡng tôn giáo, đã có 4, 5 bản dự thảo được lưu hành với lý do để tham khảo và góp ý của chức sắc các tôn giáo. Nhưng hầu như tất cả những góp ý rất chân thành và tích cực kia đã không được lắng nghe, cuối cùng thì ngày 18/11/2016, quốc hội đã thông qua bản dự thảo do đảng chỉ đạo, và trở thành “Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo” số hiệu 02/2016/QH14. Luật này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày đầu năm 2018. Đến ngày ấy, chức sắc và tín đồ các tôn giáo phải tuân thủ những điều luật đã đề ra.
Trong tinh thần thượng tôn pháp luật, lẽ ra tín đồ và chức sắc các tôn giáo có trách nhiệm liên hệ, sẽ đón nhận bộ luật mới với hỵ vọng rằng luật ấy sẽ giúp cho sinh hoạt tôn giáo được hiệu quả hơn, trong mục tiêu phục vụ đời sống tâm linh con người, và bảo vệ tôn giáo khi gặp phải những đe dọa ngoài ý muốn. Nhưng khi đọc toàn bộ luật gồm 9 chương với 68 điều, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thấy rằng bộ luật đã không như mong đợi. Nên các giám mục đã gửi đến quốc hội VN và cho phổ biến bản nhận định nói trên.
Bản nhận định đã nêu ra một số điểm tích cực, nhưng đều là những điểm không mấy quan trọng, chúng tôi xin trích nguyên văn như sau: “Bộ luật có một số điểm mới và tích cực, chẳng hạn quan tâm đến nhu cầu tôn giáo của những người bị tạm giam hoặc ở trường giáo dưỡng (điều 6), nhu cầu tôn giáo của người nước ngoài (điều 8, 47), người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo tại VN (điều 49). Bộ luật này cũng nhìn nhận các tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước công nhận (điều 30)”
Cũng theo nhận định của HĐGMVN thì đây là “bước thụt lùi”, vì luật này đã có những điểm tiêu cực và quá mơ hồ. Nếu so sánh với bản dự thảo 5, trong ấy viết rằng: “Các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân (điều 55), và được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội (điều 54)”. Nhưng trong luật thì lại thu gọn trong điều 55, với những câu chữ mơ hồ như: “được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo theo qui định của pháp luật có liên quan”. Điều nay cho thấy nhà nước đã không có thiện chí để cho các tôn giáo đóng góp vào các lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội, hầu giúp thăng tiến đời sống con người, vì các lãnh cự này vốn là sở trường và là thiên chức của các tôn giáo từ hàng ngàn năm trên khắp thế giới.
Đoạn kế tiếp HĐGM cho rẳng: “luật tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho”. Thay vì dùng từ “xin phép” và “cho phép” bằng từ “đăng ký”, “thông báo”, “đề nghi”, tuy nghe có vẻ nhẹ nhàng hơn, nhưng thực chất vẫn phải được chính quyền cho phép hay không, như thế cũng là “xin-cho”! Bản văn còn viết rõ, xin trích: “cơ chế này cho thấy tự do tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người, mà phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo”.
Cũng theo HĐGMVN thì: “chính quyền nhìn tôn giáo thuần túy trên bình diện chính tri, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng”. Để làm rõ hơn nhận xét này, các GM nêu ra những cụm từ như: “theo qui định của pháp luật”, “chia rẽ dân tộc”, “chia rẽ tôn giáo”, “xâm phạm quốc phòng, an ninh”, “xâm phạm trật tự an toàn xã hội, môi trường” vân vân…được lặp đi lặp lại trong Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo. Đây là những ngôn từ nhà cầm quyền luôn dùng để qui chụp cho những tổ chức mà nhà cầm quyền cho là phản động, chống phá nhà nước.
Nhận xét của HDGM rất đúng, khi vạch ra rằng để kiểm soát và đối phó với tôn giáo, nhà nước đã phải thiết lập cả một hệ thống khổng lồ từ trung ương xuống đến địa phương, gọi là “Ban Tôn Giáo Chính Phủ” với hàng vạn cán bộ được đào tạo bài bản, được nhà nước trả lương, chỉ với mục đích để rình mò xâm nhập theo dõi, phá hoại hoạt động của các tôn giáo.
Chưa hết, trong nhiều tài liệu học tập dành cho cán bộ và sinh viên, thì Đạo Công Giáo nói riêng, đã được trình bày như một thế lực thù địch, nhằm gieo rắc cái nhìn sai lạc, thiếu thiện cảm, đến thù ghét đối với tôn giáo này.
Với nhận thức về tôn giáo của nhà cầm quyền CS như thế, cộng với hành động đàn áp trù dập, và cướp sạch tài sản của các tôn giáo trong mấy chục năm qua, nay lại đưa ra một bộ luật để tiếp tục kiểm soát kềm chế và lũng đoạn tôn giáo, kèm theo những mỹ từ như “tốt đạo đẹp đời”, kêu gọi các tôn giáo “đồng hành với dân tộc”, thì tự nó đã nói lên tâm địa đen tối của người CS rồi.
Tôn giáo chân chính nào cũng chủ trương giúp con người thăng tiến đời sống tâm linh, xây dựng con người nhân bản, để tiến tới “chân, thiện mỹ”; làm cho con người tốt, thì xã hội tốt, đó là mục đích và cũng là thành quả các tôn giáo đã đóng góp cho xã hội nhân loại và đã được chứng nghiệm qua bao nhiêu thời đại; nó không cần đến sự hướng dẫn của một tập đoàn chính trị như đảng CS, nó cũng không cần đến một bộ luật khắt khe vô ích như “Luật Tín Ngưỡng, Tôn Giáo” của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam làm gì.
Do đó chúng tôn rất tán đồng những điều nhận định và suy nghĩ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố hôm 1/6/2017 vừa qua.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment