Monday, April 10, 2017

Những chuyện quái gở!

ChuyệnNướcNonMình

Anh nông dân Nguyễn Vũ Phương (Vĩnh Long) có một bí quyết nuôi heo khá độc đáo. Đó là cho chúng nghe nhạc, đủ các loại nhạc và cả tin thời sự. Anh quan sát thấy khi mở nhạc là đàn heo nằm im phăng phắc, tắt là chúng lại lộn xộn, kêu la inh ỏi. Có khi chúng nghe nhạc quên cả ăn. Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch hiệu hội chăn nuôi Việt Nam biết tin, khuyên rằng, nghe nhạc nhẹ vật nuôi không bị stress, phát triển tốt. Còn nghe thời sự coi chừng bị ức chế…

Không rõ ông Quang nói vậy là ý gì. Còn con người thì chắc chắn sẽ bị ức chế nếu hàng ngày đọc báo, nghe tin tức, xem thời sự. Bởi toàn những tin sốc, kinh dị. Còn những ai không bị ức chế, bị sốc, có hai trường hợp: Một là sốc nhiều quá, nên mất cảm xúc. Hai là không quan tâm đến tình hình đất nước.
Càng xem, càng nghe, càng đọc càng uất ức, đau đớn. Chưa có thời nào mà đất nước có những chuyện quái gở như thời nay. Có lẽ con cháu sau này đọc những chuyện xảy ra trong một tuần thôi chứ chưa nói chuyện của tháng, của năm hay mấy chục năm chúng sẽ cho là chuyện hoang đường do bịa đặt mà có.
Hà Nội, dẹp vỉa hè chặt hàng trăm cây xanh. Có những cái cây cách vỉa hè 10m cũng không tha. Sài Gòn người dân ngơ ngác hỏi, cho xây tam cấp giờ bắt đập là sao?
Bình Dương, thịt thối, cá ươn, rau củ héo úa dùng chế biến phần ăn công nghiệp.
Hưng Yên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu… nhân viên tạp vụ, bảo vệ được cho lên làm cán bộ thuế.
Bình Thuận Trưởng Ban Pháp chế, cán bộ thanh tra tỉnh mang tài liệu vào phòng thi cao học luật.
Quảng Bình, bị bắt quả tang đánh bạc, bí thư phường nhảy từ tầng 3 lẩn trốn.
Bộ Xây dựng bổ nhiệm Lái xe làm Viện phó Viện Quy hoạch phía Nam kiêm Chủ tịch hội đồng khoa học.
Hậu Giang, nhà máy giấy Trung Quốc thừa nhận ô nhiễm, nhưng trước đó phó Chủ tịch tỉnh nói “mọi thứ điều tốt”.
Chuyện quái dị quá nhiều, không liệt kê hết, bàn không nổi, chỉ xin nói về chuyện nhà máy giấy Lee & Man chỉ mới vận hành thử đã gây ô nhiễm ở Hậu Giang.
Người dân phản ảnh, báo chí đưa tin, có cả hình ảnh dòng nước thải, hình ảnh khói bụi bám trần nhà dân đen xì nhưng phía chính quyền cho rằng, mọi thứ điều tốt. Như ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó chủ tịch Hậu Giang nói: “Hậu Giang đã tổ chức đoàn kiểm tra, công ty đã thực hiện tất cả yêu cầu trước đó của Tổng cục Môi trường. Mọi thứ đều tốt” (theo báo tuổi trẻ).
Còn ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam (Tổng cục Môi trường) xác nhận đã kiểm tra nhà máy và những tin tức phản ảnh của người dân. Tuy nhiên, ông Phong đã từ chối xác nhận có hay không việc gây ô nhiễm môi trường của dự án này cũng như các cách giải quyết. Trong khi đó, chính Nhà máy giấy Lee & Man Trung Quốc thừa nhận gây ô nhiễm môi trường tại Hậu Giang (theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Xin nói với ông Phó chủ tịch Hậu Giang, khi xây dựng nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh, các quan chức ở đó cũng nói là rất tốt, cũng bảo đảm không gây ô nhiễm, hứa hẹn này nọ… nhưng giờ chuyện gì đang xảy ra thì ông biết đấy. Nói thật, tôi lo cho Hậu Giang, với cái nhà máy giấy công nghệ Trung Quốc ấy thì dòng sông Hậu sớm muộn cũng bị bức tử.
Tôi nghĩ, các vị lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nên chuyển nhà tới gần khu vực của nhà máy để sống cùng với người dân nơi đây. Có như vậy mới hiểu được sự thống khổ của người dân vùng ô nhiễm. Nếu các vị chịu được thì tôi chắc người dân không có ý kiến. Chứ đừng có kiểu ngồi trong phòng máy lạnh rồi phán bừa.
Không phải đến bây giờ người ta mới nói về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của nhà máy giấy Lee & Man mà mọi chuyện đã được báo động từ trước khi xây dựng. Nhưng trong số các vị quan chức đầu tỉnh có ai thèm nghe, cứ khăng khăng là không sao, là bảo đảm, là kiểm soát được. Bây giờ nhà máy mới chạy thử đã vậy, nếu chính thức đi vào hoạt động thì không ai dám chắc hậu quả sẽ thế nào.
Các vị có biết rằng, ngành kỹ nghệ sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm nhiều nhất trong quá trình phát triển. Và việc giải quyết chất nước thải là vô cùng tốn kém (chiếm 25-39% chi phí đầu tư). Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn cách nằm sát sông để tiện việc xả trộm chất thải. Ai cũng hiểu sao các vị không hiểu? Chắc các vị còn nhớ vụ Vedan xả chất thải bức tử sông Thị Vải. Đó có thể là tương lai của sông Hậu.
Còn nói về sự giám sát của các cơ quan chịu trách nhiệm, chẳng ai dám tin: Vedan xả chất lỏng nguy hại ra sông Thị Vải suối 14 năm, chỉ đến khi quá ô nhiễm mới bị phát giác.
Không rõ là lợi ích từ nhà máy giấy Lee & Man đem lại cho người dân Hậu Giang là gì? Nhưng nếu xảy ra thảm họa ô nhiễm môi trường thì họ là người trực tiếp lãnh hậu quả. Không chỉ vậy, cả một vùng rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Đừng để một ngày Hậu Giang phải xin gạo cứu đói.
Nói lại thêm một chút về lịch sử xây dựng nhà máy. Tháng 6/2017 UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy giấy và sản xuất bột giấy cho Công Ty TNHH Lee & Man Việt Nam (Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong –Trung cộng. Dự án khởi công 8/2007, dự định hoàn thành tháng 9/2009, tuy nhiên sự xây dựng đã chậm hơn 9 năm, tỉnh đã gia hạn 5 lần.
Sự ưu ái là quá rõ ràng, lẽ ra tỉnh Hậu Giang phải dừng dự án khi Lee & Man không thực hiện đúng cam kết. Không lẽ còn có lợi ích nào hơn cả mạng sống người dân, lợi ích người dân?
Ngày nào cũng có những tin sốc, những chuyện quái gở xảy ra trên đất nước này. Không biết những gì mà cán bộ các cấp, các ngành đang làm sẽ đưa đất nước đi đâu, tới đâu khi mà Việt Nam ngày nay thua cả Lào, Campuchia.
Định An

No comments:

Post a Comment