Wednesday, March 22, 2017

Putin nên mừng hay nên lo?

BìnhLuân

Ảnh hưởng của Nga trên chính trị nước Mỹ chưa bao giờ ồn ào như bây giờ. Một cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ phải từ chức vì bị tiết lộ đã gặp đại sứ Nga ngay sau khi Tổng Thống Obama đưa ra thêm biện pháp cấm vận. Ông bộ trưởng Tư Pháp phải rút lui không can dự vào việc điều tra vụ gián điệp Nga, sau khi báo chí khám phá ra ông đã gặp đại sứ Nga hai lần trong thời gian tranh cử năm ngoái; một lần ngay sau khi tình báo Mỹ xác nhận gián điệp Nga có can thiệp đã vào cuộc tranh cử.
Từ thời còn chế độ Cộng Sản, chính quyền Nga vẫn tìm cách ảnh hưởng vào cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ – cũng như của dân các nước Tây phương khác – nhưng chưa bao giờ vai trò Nga làm dư luận sôi nổi như hiện nay. Vậy ông Vladimir Putin đã thành công hay thất bại? Muốn biết, phải coi ông ta muốn gì.

Từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, vị thế Nga xuống dốc, ông Putin muốn nước Nga đứng ngang hàng với Mỹ. Dân Nga sẽ ngưỡng mộ ông hơn, vì đó là điều họ vẫn khao khát! Cụ thể, ông Putin muốn Mỹ chấm dứt cấm vận kinh tế và để ông tiếp tục bành trướng thế lực Nga tại Châu Âu và Trung Ðông.
Nhưng Tổng Thống Trump cầm quyền được một tháng thì dư luận dân Mỹ ngày càng chống Nga mạnh hơn, đặc biệt là các nghị sĩ thâm niên thuộc đảng Cộng Hòa. Ông Putin đang thấy một thực tế, là tâm lý dân Mỹ nghi ngờ chính quyền Nga đã bắt rễ từ lâu rất khó xóa bỏ. Quyền quyết định của một vị tổng thống Mỹ lại bị hạn chế, vai trò của Quốc Hội và báo chí rất quan trọng.
Khó nhất, là quyền lợi của hai nước trên khắp thế giới vẫn xung khắc.
Giờ này ai cũng thấy gián điệp tin học của chính quyền Nga đã can thiệp vào cuộc tranh cử năm 2016. Nhưng mục đích của ông Putin không hẳn là ủng hộ ứng cử viên Donald Trump, mặc dù ông ghét cay ghét đắng bà Hillary Clinton, từ năm 2011, khi bà hoan hô dân Nga đang biểu tình chống bầu cử gian lận. Ước vọng lớn của ông Putin là tấn công các định chế tự do dân chủ, bằng phá phách, gây rối, làm hạ thấp giá trị và nếu có thể thì làm cho lố bịch để chế nhạo. Ông Putin nhắm vào mục đích chính đó, dù hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là ai cũng không quan trọng.
Ông Putin muốn chứng minh cho cả thế giới thấy những lời tuyên truyền của chế độ Cộng Sản là sự thật: Chế độ dân chủ không những là giả mạo mà còn không có hiệu quả trong việc điều hành một quốc gia!
Nếu ông Putin muốn chứng minh điều đó trong khi cho gián điệp tin học đánh phá cuộc bỏ phiếu của dân Mỹ, thì chính ông đã thất bại. Ông Donald Trump đắc cử chứng tỏ chế độ dân chủ ở nước Mỹ “có thật”! Một người chưa bao giờ làm chính trị, bị giới “thượng lưu” ngay trong đảng của mình tẩy chay, không mấy ai tin là sẽ đắc cử, nhưng cuối cùng đã thắng nhờ thu hút lá phiếu của hàng chục triệu cử tri “bị bỏ quên”.
Ông Putin có thể thành công nếu việc ông Trump đắc cử sẽ khuyến khích dân các nước Châu Âu bầu lên những lãnh tụ chủ trương dân tộc cực đoan, bảo hộ mậu dịch, chống kinh tế toàn cầu hóa, như bà Marine Le Pen ở Pháp, ông Geert Wilders ở Hòa Lan, Norbert Hofer ở nước Áo, hoặc Nikos Michaloliakos ở Hy Lạp. Nếu họ đều thắng cử, thế giới sẽ mất niềm tin vào lý tưởng tự do và thể chế dân chủ. Nước Mỹ sẽ không còn là tấm gương mà loài người muốn noi theo từ khi Liên Xô sập đổ. Dân Nga sẽ vui lòng để cho một “người hùng” cai trị mãi mãi! Nhưng trong số các lãnh tụ cực hữu trên đây nhiều người không có triển vọng thắng cử.
Một điều ông Putin có thể hy vọng là chính quyền Donald Trump chỉ lo bận tâm với các vấn đề nội bộ của nước Mỹ, sẽ lơ là những chuyện xa xôi, không phản ứng kịp nếu Nga làm tới ở vùng Baltic, ở Ukraine, vùng Balkan và Trung Ðông. Chính phủ Trump đề nghị giảm ngân sách Bộ Ngoại Giao 30% có thể là một tin vui nhưng đang bị Quốc Hội chống. Trái lại, việc gia tăng chi phí quốc phòng là một thất vọng lớn cho Nga nhưng cả hai đảng ở Quốc Hội đều ủng hộ.
Chính quyền Nga cũng nhận ra rằng nhiều người trong chính phủ Trump nêu những ý kiến trái ngược với những lời ông tổng thống nói khi tranh cử. Hơn nữa, Quốc Hội Mỹ mới là cơ quan quyết định ngân sách chi tiêu của Hành Pháp. Mà các đại biểu Quốc Hội Mỹ hiện đang tỏ ra bất bình với các hành động của tình báo Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Chính Tổng Thống Donald Trump cũng bị đặt vào một thế khó xử. Ông sẽ không thể đưa ra một hành động nào có vẻ thân thiện với Nga, dù chỉ “có vẻ” thôi; vì hàng triệu con mắt đang theo dõi. Cuộc điều tra về vụ gián điệp nước ngoài can thiệp vào một quá trình quan trọng nhất trong thể chế dân chủ, là bầu cử, sẽ khiến dư luận Mỹ chuyển động, “chống Nga” không kém thời Chiến Tranh Lạnh. Ông Putin có thể đã thắng một trận, nhưng gánh ảnh hưởng tai hại về lâu về dài. Ông Putin vừa mới ăn mừng đã bắt đầu lo lắng./.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment