Tuesday, March 14, 2017

FTA giữa EU và Việt Nam phải có ràng buộc nhân quyền

BìnhLuân

Đã hơn một năm trôi qua tính từ thời điểm Tháng 12 năm 2015, khi Hiệp Định Thương Mại Tự Do (FTA) giữa Liên Minh Châu Âu (EU) và Việt Nam được ký kết chính thức. Nhưng điều “kỳ lạ” là mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ mà chưa có động tác triển khai nào tiếp theo. Nền kinh tế cùng chân đứng chế độ Việt Nam cũng bởi thế chưa được hưởng lợi thêm chút nào.
Vào đầu năm 2017, một lần nữa, việc triển khai FTA giữa EU và Việt Nam được đặt ra giữa hai bên. Nhưng vào thời gian này, hoàn cảnh đã khác biệt nhiều so với một năm trước.
Nhưng vì sao lại có chuyện FTA giữa EU và Việt Nam bị “ngâm” đến cả năm qua, dù phía Việt Nam hết sức mong đợi và luôn cổ vũ cho hiệp định này? Phải chăng có một nguyên nhân đủ lớn đã tác động đến sự chậm chạp này? Nguyên nhân đó là gì?
Trong thực tế, Nghị Viện Châu Âu giám sát hoạt động của các cuộc đàm phán về thương mại giữa EU với Việt Nam. Nhưng không chỉ thương mại, mà còn cả nhân quyền.
Còn bây giờ, khi đã lãnh trách nhiệm được “chuyển giao” từ Mỹ về giám sát nhân quyền Việt Nam, EU cần có hành trang nào cho những cuộc đàm phán đầy tính trả treo và căng thẳng trong thời gian tới?
EU cần rút kinh nghiệm vài bài học sâu sắc từ Mỹ trong chính sách nhân quyền đối với chính quyền Việt Nam:
Chính sách mềm mỏng có phần thái quá của Mỹ, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của nền hành pháp Obama, rốt cuộc đã chỉ giúp Mỹ và giới dân chủ nhân quyền Việt Nam đạt được một số thành tích rất khiêm tốn. Hậu quả quá dễ thấy là vào bất kỳ thời gian nào mà quan hệ Việt – Mỹ trở nên lạnh nhạt, mà gần nhất là khoảng thời gian cuối năm 2016 – đầu năm 2017, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền. Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, bản chất đó sẽ không bao giờ thay đổi.
EU có thể làm gì?
Cuối năm 2016, cả Quốc Hội lẫn tổng thống Mỹ đồng loạt thông qua Luật Nhân Quyền Magnitsky Toàn Cầu về chế tài những quan chức vi phạm nhân quyền trầm trọng, trong đó có giới quan chức Việt Nam. Đây chính là một đòn bẩy đắc dụng để trợ giúp cho các cuộc đàm phán về nhân quyền của EU với chính quyền Việt Nam.
Từ tình hình trên, đầu năm 2017 chính là thời điểm mà EU hoàn toàn có thể cứng rắn để đàm phán và tuyên bố rằng:
– Chính quyền Việt Nam muốn có được FTA với EU thì phải đáp ứng các điều kiện cải cách thể chế về nhân quyền và mở rộng dân chủ.
– Kết quả thực hiện nhân quyền của chính quyền Việt Nam sẽ là cơ sở để EU quyết định những kết quả về thương mại giữa EU và Việt Nam. Lộ trình FTA của EU sẽ phải song song và gắn chặt với lộ trình thực hiện nhân quyền của chính quyền Việt Nam.
Những nội dung và lộ trình cải cách cụ thể về nhân quyền và dân chủ:
Với vị thế không quá khiêm nhường của mình, vào lúc này EU hoàn toàn có thể cứng rắn để đàm phán và đưa ra những điều kiện đối với chính quyền Việt Nam như:
– Quốc Hội Việt Nam phải ban hành Luật Biểu Tình và Luật Lập Hội ngay trong năm 2017 với những nội dung thuận lợi cho tự do biểu tình và lập hội chứ không phải thiên về quản lý và áp đặt các điều kiện siết bức các quyền tự do.
– Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam phải công nhận xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự độc lập, đặc biệt công nhận quyền tự do báo chí với tổ chức đại diện cho quyền này là Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.
– Công an Việt Nam phải chấm dứt ngay lập tức các hành vi theo dõi, triệu tập trái phép, bắt cóc, đánh đập, bắt giam người hoạt động nhân quyền và người hoạt động tôn giáo.
– Trong năm 2017, chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho 30% số tù nhân chính trị (tức khoảng 30 người trong tổng số khoảng 100 tù nhân chính trị hiện nay). Những tù nhân chính trị còn lại sẽ phải được trả tự do trong hai năm sau đó (2018 – 2019).
– Năm 2017, việc tài trợ của EU cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam sẽ không phải hỏi ý kiến của chính quyền Việt Nam. Một phần đáng kể của tài trợ dự án từ EU sẽ được hỗ trợ cho xã hội dân sự độc lập để có được những kết quả thực tế về dân quyền, thay vì chỉ đổ vào khối hội đoàn nhà nước vừa kết quả thấp vừa quá dễ bị tham nhũng.
– Trong năm 2018, chính quyền Việt Nam phải ban hành Luật Tự Do Báo Chí và Luật Xã Hội Dân Sự.
– Chính quyền Việt Nam phải xây dựng ngay lộ trình thực hiện các điều kiện nhân quyền trong năm 2017 và trong ít nhất hai năm sau đó (2018 – 2019) song song với lộ trình triển khai FTA với EU và nhận viện trợ từ EU.
– Từ năm 2018 trở đi, chính quyền Việt Nam phải cam kết sẽ cải cách thể chế theo hướng tam quyền phân lập./.
Phạm Chí Dũng

No comments:

Post a Comment