Sunday, February 5, 2017

XUÂN QUÊ HƯƠNG TRONG THI CA

ThiCaYêuNước

Mùa xuân là mùa của tình yêu, bởi lẽ xuân và tình yêu cũng là một, như thi sĩ Hà Thượng Nhân đã cảm nhận “ Chỉ có tình yêu chỉ có xuân..” Nhưng không phải chỉ có tình xuân nam nữ, tình xuân gia đình, mà cốt yếu là tình xuân non nước. Bước vào năm mới, với hình ảnh quê hương canh cánh bên lòng, chúng ta hãy cùng nhau thưởng thức vài nét xuân quê hương trong thi ca Việt Nam.
Mùa xuân đã trải lối cho Nguyễn Du đưa truyện Kiều vào kho tàng văn chương dân tộc,với sắc thái quê hương thật đậm đà:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều-quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Hình ảnh mùa xuân mướt xanh của Nguyễn Du còn đuợm màu quê hương hơn với đàn em nhỏ tung tăng vui đùa dưới nắng xuân của Nguyễn Bính:
Từng đàn con trẻ chạy xum-xoe
Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
Lá nỏn cành non ai tráng bạc ?
Gió về từng trận gió bay đi .
Thơ xuân tiền chiến thật óng ả, nhưng có lẽ tươi mát nhất là hình ảnh mùa xuân thấp thoáng trên tà áo cô thôn nữ bên giàn thiên lý của Hàn Mặc Tử, gợi lên một cảm giác quê hương thật ngây ngất:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm-tấm vàng
Sột-soạt gió trên tà áo biếc
Trên giàn thiên-lý bóng xuân sang
Tạm rời thơ tiền chiến để bước vào thi ca hiện đại, chúng ta phải nhắc tới thi sĩ Hà Thượng Nhân đã được tôn vinh là cây cổ thụ, tỏa bóng mát trong thi ca. Mùa xuân trong thơ ông qủa thắm đượm tình quê hương dân tộc. Thi sĩ họ Hà đã ngậm ngùi trước mùa xuân tha hương:
Ta gặp Việt Nam trên đất Mỹ
Việt nam xuân cũng lạnh căm căm
Ta không trông thấy cây nêu cũ
Vẫn thấy hoa đào nở trước sân
Mùa xuân tha hương dù vẫn có đào hồng mai thắm, lòng dân Việt vẫn ngậm ngùi,thương nhớ quê hương khổ đau, đành nhấp chén Hồ Trường mà lòng quằn quại:
Có phải thơ ta giờ lỗi vận
Đời ta cũng lỡ những cung đàn
Nguời về náo nức chăng, người cũ
Hồ trường còn mải nát tâm can
Chao ôi thơ đẹp như là Tết
Sao núi sông này vẫn cách ngăn
Nhấp chén hồ trường với nỗi buồn bất đắc chí, Hà Thượng Nhân vẫn tin vào một ngày mai đất nước thanh bình, không còn bóng dáng loài qủy đỏ:
Ngọn cờ chính nghĩa giục ba quân
Những ai còn mất trong ngoài nước
Yêu nước không hề kể tháng năm
Bao giờ sông núi bình an lại
Mời nhau chén ruợu thật ân cần
Bùi Giáng, tuy đuợc liệt vào dòng thơ ngông, nhưng mùa xuân quê hương của ông lại rất cảm động tha thiết, đầy tình tự dân tộc. Dù tóc có ngả màu, thì mùa xuân dân tộc vẫn xanh, và ngày trùng ngộ vẫn chờ đợi dân Việt:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng..
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
Nếu mùa xuân quê hương của Bùi Giáng còn màu xanh với hy vọng trùng ngộ, thì mùa xuân quê hương trong thơ Trần Trung Đạo lại ray rứt rướm máu, thể hiện nỗi lòng thương nhớ quê nhà của nguời Việt tha hương, với tiếng khóc thầm nghẹn ngào:
Ai có về bên kia đất nước
Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
Tôi, con én lạc mùa xuân trước
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương ..
Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
Dòng thơ xuân của Ngô Minh Hằng cay đắng cay hơn nhưng cũng sắc bén hơn. Thơ Ngô Minh Hằng là những nhát chém vào tim bọn đao phủ Hà Nội. Ngày đầu năm, Ngô Minh Hằng đã nghẹn ngào nhớ tới quê hương quằn quại:
Dân con đó, hai phần ba thế kỷ
Đã đau thương, oan khổ đến vô cùng
Bởi một lũ người mật đường lừa mị
Độc ác, bất lương, tâm địa gian hùng
Phẫn uất trước bọn gian hùng, nhà thơ đã chấp tay cầu nguyện Thượng Đế thương dân Nam đang bị đọa đày dưới bàn tay qủy đỏ với tâm nguyện có ngày về dựng lại quê hương
Con có một quê hương đang băng hoại
Do tập đoàn tư bản đỏ tạo nên
Mà chúng con đang góp lòng dựng lại
Một nước Việt Nam dân chủ nhân quyền..
Còn Ngô Đình Chương, ngày cuối năm lại thổn thức với sân khấu chính trị tại Việt Nam như một bàn cờ lơ láo:
Thấp thỏm pháo xe hàng khuyển mã
Ù lì tướng sĩ bọn ngưu trư
Mua danh nhục nhã làm quân thí
Vấy máu hôi tanh tạc tượng hù
Xóa ván,thở dài trà mạn đắng
Mệnh trời xuân nữa lại trầm tư
Trong một cảm thức khác, nhà thơ Thái Tú Hạp đã khoác màu thiền vào thi ca, tô điểm cho mùa xuân quê hương một dáng vẻ tĩnh lặng, như thể đi vào cõi không:
Trong vườn xuân hạnh ngộ
Hoàng lan hiu hắt tàn
Dấu chân về cuối phố
Nghe sầu vỡ trăm năm
Cái đẹp ở đây là trong tĩnh lặng, nhà thơ họ Thái thầm nghe sầu vỡ, nhưng lại rộn lên hạnh phúc đơn sơ trong tình yêu chân thật:
Những âm vang đã tắt lịm từ vực thẳm đau thương
Réo gọi ta về
Dựng lại căn nhà hạnh phúc..
Ta dắt díu em về
Trồng lại luống hoa
Nghe suối hát trong rừng Viên Giác
Đời có nhau chân thật tình yêu
Nhưng hạnh phúc không dừng lại với tình em, mà còn trải rộng tận sông núi, bởi lẽ tìm thấy mùa xuân trong em cũng chính là tìm thấy mùa xuân trên quê hương, trên non sông gấm vóc và trong lòng dân tộc kiêu hùng:
Bao giờ chim én lại
Mùa xuân sông núi ta
Mọc lên từ hơi thở
Từ mạch máu ra hoa
Báo tin cùng nhân loại
Ta cũng có mùa xuân
Ta vẫn còn đất nước
Tiếng gọi hồn Việt Nam
Thái Tú Hạp báo tin cùng nhân loại về mùa xuân Việt Nam. Chúng ta, những người con dân đất Việt trong nuớc và ngoài nước cũng hân hoan báo tin cho thế giới, mùa xuân Tự Do Dân Chủ đang bừng khởi tại quê nhà khi cơn bão lửa cách mạng đã châm ngòi..
Ngô Quốc Sĩ, Minh Nguyệt Hải Sơn tạm biệt quí thinh giả, xin hẹn gặp lại trong mục TCYN tuấn tới.
Ngô Quốc Sĩ

No comments:

Post a Comment