Tuesday, February 21, 2017

Tin Tức thứ Sáu, 17.02.2017

TinTức

NGƯỜI DÂN TỰ ĐỘNG TỔ CHỨC TƯỞNG NIỆM CUỘC CHIẾN BIÊN GIỚI VIỆT-HOA
Vào ngày hôm qua, nhiều người dân VN đã tự động tổ chức hay tham gia các cuộc tưởng niệm 38 năm cuộc chiến biến giới Việt-Hoa và đã bị công an làm khó dễ.
Theo ghi nhận thì hàng trăm người đã mang hoa đến đặt trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, nhưng ngay sau buổi lễ, lực lượng công an và dân phòng đã thu dọn toàn bộ, ném lên xe rác.
Trong khi đó thì rất nhiều người đã bị ngăn cản không cho tiến vào nghĩa trang tử sĩ tại Lạng Sơn để dâng hương tưởng niệm những quân dân VN đã bị thảm sát khi 600 ngàn quân Trung Cộng tràn sang VN vào ngày 17/2/1979 để gọi là “dạy cho VN một bài học”. Theo lời kể của thầy giáo Tô Oanh thì vào hôm thứ Ba 14/2, nhóm người của ông từ Bắc Giang đi đến cổng nghĩa trang Lạng Sơn thì bị hàng chục công an bao vây, không cho tiến vào nghĩa trang, kể cả việc cấm chụp hình ở bên ngoài nghĩa trang.
Tuy nhiên dù bạo quyền Hà Nội không tổ chức cuộc tưởng niệm những người đã nằm xuống trong cuộc nói trên, một số hội đoàn dân sự, như câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn và nhóm No-U ở Hà Nội, đã tự động tổ chức cuộc tưởng niệm cuộc chiến đẫm máu vào năm 1979 này.

ÂN XÁ QUỐC TẾ KÊU GỌI HÀ NỘI PHÓNG THÍCH 3 NHÀ BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa gửi thư đến giới lãnh đạo cao cấp VN, nội dung bày tỏ sự lo ngại về tính mạng của 3 người bất đồng chính kiến đang bị biệt giam và không ai được phép vào thăm, kể cả các luật sư của họ.
Ba người này là bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai và ông Nguyễn Văn Hóa. Trong thư gửi cho Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng công an Tô Lâm và Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, Ân xá Quốc tế yêu cầu Hà Nội trả tự do vô điều kiện cho 3 nhà đấu tranh nói trên, và phải bảo đảm rằng họ không bị tra tấn hay ngược đãi trong tù.
Cần nhắc lại, bà Trần Thị Nga từng bị công an Hà Nội đánh gẫy chân vì các hoạt động bảo vệ nhân quyền của bà. Bà Nga bị công an ập vào tư gia ở thị trấn Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, đọc lệnh bắt giam vào ngày 21 tháng Giêng với cáo buộc “tuyên tuyền chống phá chế độ”. Trước đó vào ngày 19 tháng Giêng, ông Nguyễn Văn Oai, một cựu tù nhân chính trị, cũng bị bắt tại Nghệ An với cáo buộc chống người thi hành công vụ. Và ông Nguyễn Văn Hóa thì bị bắt vào ngày 11 tháng Giêng tại Hà Tĩmh với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ để bôi nhọ đảng và nhà nước”.

THÊM MỘT “CON RUỒI” SA LƯỚI CHỐNG THAM NHŨNG CỦA NGUYÊN PHÚ TRỌNG
Sau hai tuần bật đèn xanh cho báo chí phanh phui khối tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng bộ công thương, vào hôm qua Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra lệnh cho các cơ quan của đảng và nhà nước phải điều tra minh bạch về số tài sản vài chục triệu Mỹ kim mà gia đình bà Thoa đang sở hữu.
Theo lệnh này thì hàng loạt cơ quan và bộ ngành sẽ nhập cuộc, gồm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ban Tổ chức Trung ương đảng, ban Nội chính Trung ương, Ban Cán sự, bộ kế hoạch đầu tư, bộ tài chánh, bộ công thương và giới Thanh tra Nhà nước.
Trong hai tuần qua, một số tờ báo lề đảng liên tục đăng tải các bài điều tra, theo đó thì gia đình bà Thoa gần như sở hữu toàn bộ số cổ phần, trị giá vào khoảng 50 triệu Mỹ kim, của công ty Điện Quang, trước đây là một công ty nhà nước nhưng được tư hữu hóa khi bà Thoa làm tổng giám đốc công ty này.
Trong khi đó thì bộ công an VN đã quyết địng truy tố 5 thuộc cấp của ông Trịnh Xuân Thanh, người đã đào tẩu ra ngoại quốc sau khi biết tin mình sắp bị sa lưới chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Theo cáo trạng thì 5 quan chức này đã đồng lõa với ông Thanh trong việc biển thủ hàng trăm triệu Mỹ kim tại tổng công ty Xây lắp Dầu khí VN vào 5 năm trước. 4 trong số 5 quan chức nói tên đang bị bắt giam, người còn lại thì bị cấm ra khỏi nơi cư trú.

TRUNG CỘNG YÊU CẦU HÀ NỘI XIN LỖI VỀ VỤ HÀNH HUNG Ở MÓNG CÁI
Một lần nữa, Trung Cộng lại yêu cầu phía VN phải công khai xin lỗi một công dân Hoa Lục bị nhân viên biên phòng Móng Cái đánh đập trọng thương vào ngày 7/2 vừa qua sau khi du khách này từ chối không chi tiền “trà nước” cho họ.
Bộ ngoại giao Trung Cộng nói rằng, vụ hành hung nói trên đã gây “căm phẫn trong dư luận”, vì thế Trung Cộng yêu cầu Hà Nội phải ngỏ lời xin lỗi, bồi thường cho nạn nhân và phải trừng phạt những nhân viên đã tham gia vụ hành hung này.
Theo một số nguồn thì 8 nhân viên biên phòng đã bị Hà Nội đình chỉ công tác để điều tra, nhung một quan chức lãnh đạo tỉnh Móng Cái khẳng định là không hề có chuyện còng tay, áp giải lên lầu và đánh đập như phía Trung Cộng tố cáo.

ẤN ĐỘ SẼ BÁN PHI ĐẠN CHO VN, BẤT CHẤP SỰ GIẬN DỮ CỦA TRUNG CỘNG
Chính phủ Ấn Độ vẫn tiến hành việc bán phi đạn tầm trung cho VN, bất chấp lời cảnh cáo đầy giận dữ của Trung Cộng.
Theo nội dung đàm phán thì Ấn Độ sẽ bán cho VN các loại phi đạn Akash và Brahmos, có tầm xa gần 300 cây số. Tuy nhiên chưa rõ là VN sẽ mua được bao nhiêu phi đạn.
Cấn biết là vào năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, loan báo là sẽ cho VN vay 500 triệu Mỹ kim để mua một số vũ khí của Ấn Độ, trong đó có các tàu tuần duyên trị giá đến 100 triệu Mỹ kim. Đồng thời Ấn Độ sẽ giúp huấn luyện các phi công VN điều khiển các chiến đấu cơ Sukhoi-30 của Nga.

TRUNG CỘNG ÁP ĐẶT LUẬT LỆ KIỂM SOÁT TÀU NGẦM NGOẠI QUỐC
Trong một dự định mang tính khiêu khích thế giới, Trung Cộng tuyên bố sẽ sửa đổi luật hàng hải, theo đó thì các tàu ngầm ngoại quốc phải nổi lên trên mặt biển và giương cờ nuớc mình khi đi vào vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình, chẳng hạn như ở Biển Đông.
Báo chí Trung Cộng vào hôm qua cho biết là theo dự luật đang được soạn thảo thì các tàu ngầm ngoại quốc, khi đi vào vùng lãnh hải Trung Cộng, phải nổi lên trên mặt biển, treo cờ quốc gia mình và phải báo cáo cho cơ quan hàng hải Trung Cộng về hành trình di chuyển của minh. Dự luật này cũng cho phép giới hữu trách Trung Cộng ngăn chận các tàu bè đi vào vủng biển Trung Cộng nếu cảm thấy bị đe dọa về an ninh.
Cần nhắc lại là vào cuối năm ngoái, hải quân Trung Cộng đã tịch thu một tàu ngầm tí hon, không người lái của Mỹ ở Biển Đông, tạo thêm căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Hoa.

No comments:

Post a Comment