Tuesday, February 21, 2017

Tin Tức thứ Bảy, 18.02.2017

TinTức

Công an bắt giữ những người tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Việt Trung năm 1979
Hôm qua, ngày 17/2, để tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh trong cuộc Chiến tranh chống Trung cộng tại biên giới Việt – Trung cách đây 38 năm, một số nhà hoạt động nhân quyền, văn nghệ sỹ và dân oan đã đến khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, bến Bạch Đằng, quận 1, Sàigòn để làm lễ tưởng niệm. Nhưng họ vừa mới xuất hiện tại khu vực này thì đã bị công an bắt tống lên xe đưa về trụ sở Công an quận Bình Tân.
Tại Hà Nội cũng có những đám đông tổ chức lễ tưởng niệm tại tượng đài Lý Thái Tổ, công an đã dùng loa phóng thanh kêu gọi đám đông giải tán, một số người bị bắt đưa về các trụ sở công an gần đó. Khoảng 7giờ 30 tối, một số nhà hoạt động nhân quyền đã đến trụ sở công an phường Thịnh Quang, Đống Đa, để đòi trả tự do cho những người đang bị công an bắt giữ.

Báo chí CSVN chụp mũ và loan tin thất thiệt về vụ giáo dân Song Ngọc tuần hành đòi kiện Formosa
Ngày 14/2, Báo Nghệ An, một tờ báo thuộc Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã đăng bài chụp mũ Linh mục Nguyễn Đình Thục, người hướng dẫn cuộc tuần hành khởi kiện Công ty Formosa, là kích động những giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện Công ty Formosa, làm mất an ninh trật tự, đi ngược đường hướng, giáo lý của đạo Công giáo. Còn báo VnExpress thì loan tin: 16 cán bộ, cảnh sát của Nghệ An đã bị thương trong vụ xô xát với hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc ngày 14/2. Những người theo dõi những hình ảnh sống động trên các mạng xã hội thì đều biết sự thật hoàn toàn ngược lại với những gì báo chí nhà nước loan tin.

Việt Nam đứng hàng thứ 5 trên thế giới về án tử hình
Hôm qua 17/2, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam có trụ sở tại Paris-Pháp đã ra thông cáo xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước có nhiều người bị tử hình nhất thế giới. Thông cáo này căn cứ trên báo cáo mới nhất của Bộ Công an Việt Nam cho biết từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2016, CSVN đã tử hình 429 người. Để đáp ứng với số người bị tử hình đông đảo như thế, CSVN đã xây dựng thêm 5 cơ sở tử hình mới để bổ sung cho 5 cơ sở hiện có tại Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An, Sơn La và Dak Lak. Theo báo cáo, các nhân viên an ninh đang được đào tạo gấp rút để tiến hành việc tiêm thuốc độc cho tử tù. Thông tin về việc thi hành các án tử hình ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn được coi là bí mật quốc gia.

Gia đình ông Thạch Xuân Hiền đã đến Mỹ an toàn sau sắc lệnh hạn chế người tị nạn nhập cư vào Hoa Kỳ
2 giờ chiều thứ tư, 15/2, 4 người thuộc gia đình anh Thạch Xuân Hiền, một cư sĩ Phật Giáo người Khmer Krom, đã đến phi trường Los Angeles, California, Hoa Kỳ an toàn, sau gần 8 năm xin tị nạn tại Thái Lan. Ông Hiền vốn là một tu sĩ Khmer Krom từng biểu tình để đòi tự do tôn giáo vào năm 2007, nên bị trục xuất khỏi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Do có nguy cơ bị CSVN truy nã, ông đã tị nạn tại Thái Lan vào năm 2009. Khi Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok ngày mùng 1/2 thông báo rằng theo sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump, người tị nạn chưa được nhập cảnh vào Hoa Kỳ, thì gia đình này bị khủng hoảng tinh thần, vì lúc đó đã mua vé máy bay để đi Hoa Kỳ rồi. Nhưng cũng rất may mắn cho gia đình này vì sau đó, hai tòa án liên bang đã ra phán quyết, tạm thời đình chỉ sắc lệnh của Tổng thống Trump, nhờ đó gia đình này đã tới được Hoa Kỳ.

Ấn Độ sẽ bán tên lửa cho Việt Nam, dù Trung cộng tức giận
Thứ tư, 15/02, tại Ấn Độ, Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng DRDO đã thực hiện cuộc triển lãm Aero India 2017 nhằm giới thiệu các chương trình phát triển tên lửa của Ấn Độ và các dự án khác, như chiến đấu cơ hạng nhẹ sản xuất nội địa. Ông S. Christopher, chủ tịch của Tổ chức này cho biết: Ấn Độ đang đàm phán với Việt Nam, cũng như với một số nước khác, về hợp đồng bán các giàn tên lửa địa đối không Akash, bất chấp bị Trung cộng phản đối. Đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ bán loại tên lửa này cho một nước khác, và Ấn Độ sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu vũ khí. Ấn Độ và Việt Nam có đối tác chiến lược, nên Ấn Độ đang nỗ lực giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ bằng việc cung cấp các thiết bị quốc phòng.

Cảnh sát Hong Kong bị án tù hai năm vì hành hung người biểu tình đòi dân chủ
Thứ ba, 14/2, tòa án tại Hong Kong đã kết án 2 năm tù giam cho 7 nhân viên cảnh sát vì đã hành hung ông Ken Tsang, một nhà hoạt động nhân quyền, khi ông này tham gia các cuộc biểu tình vì dân chủ kéo dài 79 ngày do giới sinh viên lãnh đạo vào năm 2014. Máy quay phim của truyền hình Hong Kong đã ghi lại được cảnh các cảnh sát viên lôi ông Ken Tsang từ khu vực người biểu tình tới một công viên gần đó rồi đấm đá ông này khi ông lăn ra đất.

Các chính trị gia Nga trở nên lo lắng sau khi ông Flynn từ chức và ông Trump tỏ thái độ cứng rắn đối với Nga
Sự kiện ông Flynn tuyên bố từ chức cố vấn an ninh quốc gia trong nội các Donald Trump vào ngày 13/2 vừa qua đã khiến Nga lùi vào thế thủ và thận trọng hơn đối với Hoa Kỳ. Nhất là ngay hôm sau, 14/2, Tổng thống Donald Trump đã tỏ thái độ cứng rắn đối với Nga khi yêu cầu Nga “trả lại” cho Ucraina bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm đóng năm 2014. Do đó, các nhà chính trị Nga không còn tâm trạng hân hoan như khi ông Donald Trump mới nhậm chức, mà bắt đầu chuyển sang tâm trạng lo lắng. Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu của Nga về các vấn đề Hoa Kỳ và Canada là ông Pavel Sharikov nhận định: “Tôi cho rằng diễn biến đó đã khiến các nhà lập pháp và làm chính sách Nga lo lắng”.

Trung cộng tăng binh sĩ ở biên giới Bắc Triều Tiên sau vụ ám sát
Sau khi ông Kim Jong-Nam, người anh em cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Jim Jong-Un, bị ám sát bằng thuốc độc tại phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai hôm thứ Hai 13/2 vừa qua, thì hai hôm sau, 15/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Cảnh Sảng nói rằng chính quyền Trung cộng đang theo dõi rất sát vụ ám sát này, và đã điều 1,000 binh sĩ đến khu vực biên giới với Bắc Triều Tiên như một biện pháp phòng hờ vì Trung cộng lo ngại bất ổn có thể xảy ra sau vụ án mạng này.

No comments:

Post a Comment