Friday, October 7, 2016

THẢM HỌA MÔI TRƯỜNG

QuanĐiểm

Thưa quý thính giả,
Không khí là một phẩm vật thiên nhiên tối quan trọng giúp cho các sinh vật, trong đó có con người, được tồn tại. Thế nhưng tại nhiều nơi, không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây tác hại đến con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thường được gọi tắt là WHO, ô nhiễm không khí tại các đô thị đã làm khoảng 800,000 người chết và 4,6 triệu người giảm tuổi thọ trên thế giới mỗi năm.
Không khí trở thành độc hại cho sức khoẻ khi chúng chứa quá nhiều chất độc như ozone, khí các-bon ốc-xit, ốc-xit lưu huỳnh và các loại ốc-xit ni-trơ. Ngoài những hậu quả dễ nhận thấy như chảy nước mắt, đỏ mắt, ho, khó thở, không khí ô nhiễm còn gây những bệnh tật nghiêm trọng đối với phụ nữ mang thai và đặc biệt là đối với trẻ em. Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy các bệnh ở trẻ em liên quan đến ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao, nổi bật là bệnh suyễn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, lao, viêm phổi, bại não, và các dị tật bẩm sinh. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây các căn bệnh ung thư ở con người.
Để đo lường mức độ ô nhiễm của không khí tác hại đến sức khoẻ con người, các cơ quan thẩm định sử dụng “chỉ số phẩm chất không khí”, dịch từ chữ “Air Quality Index”, gọi tắt là AQI. Chỉ số AQI được ấn định từ số 0 đến 500, và chia làm 5 cấp độ:
– Từ 0 đến 50 là “tốt”, được biểu hiện bằng màu xanh;
– Từ 51 đến 100 là “trung bình”, màu vàng.
– Từ 101 đến 150 là “không tốt cho sức khoẻ đối với một số người”, màu da cam;
– Từ 151 đến 200 là “không tốt cho tất cả mọi người”; màu đỏ;
– Từ 201 đến 300 là “độc hại”, màu tím;
– Và từ 301 đến 500 là “vô cùng độc hại”, màu nâu.
Dựa trên tiêu chuẩn phân định mức ô nhiễm không khí đối với sức khoẻ con người nêu trên thì không khí tại Hà Nội đang ở cấp độ “không tốt cho tất cả mọi người”. Liên tục 2 ngày qua, 5 và 6 tháng 10, chỉ số phẩm chất không khí đều trên mức 150 và có thể vượt trên cả mức 200, trở thành cấp độ “độc hại”, tức tình trạng báo động “màu tím”.
Nhìn một cách hời hợt và phiến diện thì cho rằng không khí Hà Nội bị ô nhiễm vì quá đông xe cộ lưu thông, nhà máy ngày càng nhiều, số lượng cây xanh không đủ để hoá giải khi thải, với biện minh đây là hậu quả đương nhiên của tình trạng dân số tăng nhanh cùng với sự phát triển sản xuất kinh tế của thành phố. Đây chính là lập luận của Trung Cộng để giải thích tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào bậc nhất thế giới của thủ đô Bắc Kinh!
Thế nhưng, nếu nhìn bề sâu thì rõ ràng đây là hậu quả của tình trạng vô trách nhiệm của kẻ cầm quyền. Thành phần này, hoặc vì thiếu kiến thức, không quan tâm đến nhu cầu bảo vệ môi sinh, hoặc vì chạy theo tư lợi, bỏ qua các biện pháp đề phòng và kiểm soát các tác hại của khí thải, nên đã để cho môi trường ô nhiễm nghiêm trọng.
Hậu quả của sự vô trách nhiệm này không phải chỉ nhìn thấy trong vụ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, mà còn nhan nhản ở nhiều lãnh vực khác, mà cụ thể nhất là thảm hoạ Formosa tại 4 tỉnh miền Trung vừa xẩy ra. Trong vụnày, chính vì thiếu kiến thức cộng với tham nhũng, thối nát, tập đoàn lãnh đạo CSVN từ trung ương đến địa phương, chẳng những đã dễ dãi chấp thuận cho công ty tài phiệt ngoại quốc khai thác công nhân và cương thổ đất nước một cách bừa bãi, mà còn nỗ lực bao che những lỗi lầm, tai hại mà công ty này gây ra cho dân tộc Việt.
Thế nhưng, dưới chế độ cai trị của tập đoàn CSVN, dân tộc Việt không phải chỉ gánh chịu các thảm hoạ môi trường vừa xẩy ra ở 4 tỉnh miền Trung, hoặc ô nhiễm không khí ở Hà Nội làm tăng thêm số nạn nhân ung thư như báo chí loan tải gần đây. Nạn ngập mặn tại một số vùng ở Nam Bộ và tình trạng sông Cửu Long khô cạn, cũng là các thảm hoạ môi trường do chính sách nhượng bộ khiếp nhược của CSVN đối với đàn anh Trung Cộng, tạo điều kiện cho Bắc Kinh tuỳ tiện xây dựng các đập nước ở thượng nguồn sông Cửu Long.
Đó là chưa kể đến quả bom nổ chậm “Bauxite Tây Nguyên” và quả mìn sắp được châm ngòi ở Cà Ná với siêu dự án thép Hoa Sen!
Cho nên, chừng nào mà chế độ CS độc tài còn ngự trị trên quê hương, chừng đó dân tộc Việt luôn phải đối đầu với các thảm hoạ môi trường có nguy cơ huỷ diệt cả giống nòi./.
LLCQ

No comments:

Post a Comment