Saturday, October 22, 2016

QUYỀN LỰC và THAM NHŨNG

QuanĐiểm
Thưa quý thính giả,
Ngày 17 tháng 10 vừa qua, trong cái gọi là “buổi tiếp xúc với cử tri” tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố muốn chống tham nhũng phải “kiểm soát quyền lực”. Để biện giải cho sự phân tích của mình, Ông Trọng đã giải thích, theo các nói nôm na của ông, là “một mình lãnh đạo mà tự tung tự tác thì dễ sai lầm”!
Và để thực hiện việc “kiểm soát quyền lực” này, người đứng đầu đảng CSVN đã đưa ra 4 biện pháp. Một là đảng viên tự phê bình và phê bình nhau để cùng chấn chỉnh, sửa đổi. Hai là đảng viên nắm các chức vụ quan trọng không được “đề bạt suốt đời” mà theo ngôn từ của Tổng Bí Thư Trọng thì “có vào thì phải có ra – Có lên thì phải có xuống”. Ba là cán bộ đảng viên phải “kê khai tài sản” và khi bị chế tài thì phải kiểm soát thu hồi tài sản. Và biện pháp cuối cùng là phải có “cơ chế giám sát” như Mặt Trận Tổ Quốc, như các cơ quan truyền thông báo chí. Để tạo thêm uy lực cho những điều trình bày, ông Trọng nhấn mạnh đây là các biện pháp đã được Hội nghị Trung ương 4 của Đảng CSVN vừa bế mạc ba hôm trước thông qua.
Đây không phải là lần đầu tiên TBT Nguyễn Phú Trọng đưa ra các biện pháp phòng chống tham nhũng. Hầu như trong bất cứ bài phát biểu nào của ông, dù với cán bộ, đảng viên, hay với dân chúng, vấn đề tham nhũng đều được ông nêu lên. Thế nhưng, có thể nói, đây là lần đầu tiên, ông Trọng cho thấy ông đã nhìn ra được một phần cái nguyên do cốt lõi của quốc nạn tham nhũng, khi tuyên bố “một mình lãnh đạo mà tự tung tự tác thì dễ sai lầm”!
Đúng vậy, cái nguyên do cốt lõi dẫn tình trạng tham nhũng bất trị tại Việt Nam chính là tình trạng “một mình lãnh đạo” của Đảng CSVN. Hơn thế nữa, đây lại là sự độc quyền lãnh đạo một cách tuyệt đối và vĩnh viễn. Sự độc quyền lãnh đạo này đã được “hiến định hoá” bằng điều 4 hiến pháp mà đảng CS đã áp đặt lên đất nước và dân tộc.
Với vị trí độc tôn lãnh đạo như vậy, đảng CSVN đương nhiên phải “tự tung tự tác”, vì Đảng đứng trên và đứng ngoài luật pháp. Hay nói cách khác, luật pháp đều do Đảng lập ra để phục vụ cho quyền lợi của Đảng. Ví dụ điển hình gần đây nhất là luật về lập hội, qua đó các hội chỉ được hoạt động nếu phụ thuộc đảng, chịu sự điều hướng của Đảng!
Trong bối cảnh đó, biện pháp “phê bình, tự phê” chỉ là một màn hài kịch tẻ nhạt. Thử hỏi là con người, ai không thèm muốn giầu sang, phú quý! Trước những cơ hội làm giầu dễ dàng, nhất là trong một xã hội mà “văn hoá phong bì” đã trở thành nếp sống, ai có thể quay đi trước của cải, tiền bạc, nhà cao cửa rộng. Và sự tham lam luôn luôn dẫn đến việc cấu kết thành phe nhóm, cùng nhau chia chác và bao che cho nhau! Kêu gọi tự phê, tức tự thú tội, hoặc phê bình nhau, tức phanh phui tội của nhau, là chuyện hoang đường, ảo tưởng!
Tương tự, biện pháp “kê khai tài sản” cũng chỉ là trò “mị dân” trơ trẽn mà kết quả thực tế đã chứng minh tính cách vô bổ của nó. Chỉ mới trong tháng trước, nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn công bố kết quả 10 năm thực hiện việc kiểm kê tài sản và chỉ phát giác ra một vụ khai gian. Ngay cả Chủ tịch thành phố là Nguyễn Thành Phong cũng phải lên tiếng thừa nhận việc kê khai tài sản chỉ có tính hình thức, không phản ánh đúng thực tế và các bản kê khai không hề được kiểm tra hay đối chiếu với thực tế tài sản đang có!
Còn biện pháp luân chuyển chức vụ, giới hạn nhiệm kỳ, cũng chỉ là biện pháp chiếu lệ. Người dân đã quá rõ mức độ hiệu quả của biện pháp này qua vụ Trịnh Xuân Thanh vừa xẩy ra, trong đó, khi Thanh làm thất thoát hàng trăm tỷ tại công ty Xây lắp Dầu khí PVC, thì đã được chuyển về Bộ Công thương, rồi sau đó được điều làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, và còn được bầu vào Quốc Hội. Đương sự chỉ thật sự bị “xuống” khi nổhanh trừng giữa các phe nhóm quyền lực, chứ không phải vì tội tham nhũng!
Cuối cùng, qui cho Mặt Trận Tổ Quốc và các cơ quan truyền thông, báo chí trách nhiệm giám sát việc thi hành phòng chống tham nhũng của đảng CS thì chẳng khác nào chỉ thị đày tớ kiểm soát việc làm của chủ nhân! Trước đây nhiệm vụ phòng chống tham nhũng giao cho chính phủ, rồi 3 năm qua, Đảng lấy lại nhiệm vụ này với đích thân Tổng Bí Thư chỉ đạo. Vậy mà chưa nên cơm cháo gì huống chi giao nhiệm vụ này cho tổ chức ngoại vi, tay chân của Đảng!
Tóm lại, câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng – “một mình lãnh đạo mà tự tung tự tác thì dễ sai lầm”, cho thật chính xác phải đổi thành “một mình lãnh đạo chắc chắn sẽ tự tung tự tác, cho nên đương nhiên dẫn đến sai lầm!”. Vì vậy, để tránh “sai lầm”, phải chấm dứt “tự tung tự tác”. Và để chấm dứt “tự tung, tự tác” thì không thể có tình trạng “một mình lãnh đạo” được!
Chân lý này chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng, và cả tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN đã thấu hiểu rất rõ và thấu hiểu từ lâu! Thế nhưng họ sẽ không bao giờ tự từ bỏ ngồi vị lãnh đạo độc tôn của Đảng, như cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã từng cảnh cáo “bỏ điều 4 là tự sát”!
Vì vậy, loại bỏ Đảng CSVN khỏi vị trí “lãnh đạo một mình” phải do chính nhân dân thực hiện!
Đài phát thanh ĐÁP LỜI SÔNG NÚI

No comments:

Post a Comment