Thursday, October 6, 2016

Bình Ngô Đại Cáo, Tuyệt Phẩm Thi Ca Chống Ngoại Xâm (Phần III)

ThiCaYêuNước

CHIẾN THUẬT CHIẾN LUỢC VÀ CHIẾN THẮNG
Sau khi tuyên cáo khởi binh từ đất Lam Sơn, người anh hùng áo vải đã công bố chiến lược và chiến thuật giúp nắm chắc chiến thắng quân Minh. Chiến lược gồm nêu cao ngọn cờ chính nghĩa, sử dụng mưu trí và chiến tranh tâm lý. Còn chiến thuật gồm vây hãm, đánh nhanh đánh mạnh như thần tốc, chặn truớc chặn sau và đánh liên tiếp không cho giặc nghỉ dưỡng sức, phải chịu cảnh sức cùng lực kiệt.

Trước hết, Lê Lợi đã nêu cao ngọn cờ chính nghĩa dẫn đường cho cuộc khởi binh. Đó chính là triết lý đại nghĩa và chí nhân.
“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Triết lý cuộc chiến có bốn vế cân xứng làm phương châm hành động: Đại nghĩa-Hung tàn, Chí nhân-Cường bạo. Đại nghĩa dân tộc là gì, nếu không phải là độc lập chủ quyền đất nước và hạnh phúc ấm no của dân Việt? Đại nghĩa đó phải thắng hung tàn, là những mưu ma chước qủy gian manh của ngoại tặc và nội thù, gieo tai họa cho dân nước. Còn chí nhân chính là tôn vinh con người làm cứu cánh với nhân ái, nhân quyền và nhân phẩm, Chí nhân phải thay cho cường bạo là những thủ đoạn độc ác man rợ nhằm tiêu diệt và gieo rắc đau khổ cho con người.
Một nét nổi bật khác của chiến lược Lam Sơn là phối hợp mưu trí với hành động. Đánh giặc không những bằng sức mạnh, mà còn phải đánh bằng đầu óc, lực thế, tùy cơ ứng biến, tùy cơ tùy lúc mà xuất chiêu như thể đánh võ, có khi dùng biển người, nhưng có khi phải dùng du kích:
Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh
Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều
Cũng thế, Lê Lợi còn dùng đòn tâm lý, lấy tiếng thét vang làm âm thanh vang động, hầu lung lay tinh thần chiến đấu của địch, làm cho địch nhụt khí, sợ hãi mất hồn mất vía:
Sĩ khí đã hăng
Quân thanh càng mạnh
Trần Trí Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía
Lý An Phương Chính, nín thở cầu thoát thân..
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công
Về chiến thuật, người hùng họ Lê đã áp dụng nhiều chiêu thức mà địch quân không thể ngờ, có thể chưa có trong chiến sử:
Nào là vây hãm, chờ khi thuận buồm xuôi gió sẽ tấn công, đúng lúc và đúng mức:
Lại thêm quân ta bốn mặt vây thành
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc
Nào là vừa đánh chặn phía trước, vừa cắt nguồn lương thực phía sau làm cho địch quân hết đường tiến thoái:
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mủi tiên phong
Sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực
Chặn trước chặn sau, rồi Lê Lợi cho tấn công vào tâm điểm địch quân với sức mạnh như bão tố cuồng phong, làm tro bay mịt mù, máu chảy thành sông, xương chất thành núi:
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay…
Suối Lãnh Câu máu chảy thành sông, nước sông nghẹn ngào tiếng khóc
Thành Đan Xá xương chất thành núi, cỏ nội đầm đìa máu đen
Một chiêu thức khác cũng rất tinh vi, là dùng địch đánh địch. Lê Lợi đã làm cho quân Tàu tán loạn, quay lại chỉa mũi súng vào nhau, tiêu diệt lẫn nhau:
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá
Bí nước, giặc quay mũi giáo đánh nhau
Thế đó! Với chính nghĩa sáng ngời, với cuộc khởi binh đầy hùng khí, và với chiến lược chiến thuật hữu hiệu, người anh hùng Lam Sơn đã chiến thắng vẻ vang. Trước sức phản công vũ bão, địch quân tan tác, chạy tán loạn như đàn ong vỡ tổ, như lũ kiến tan hoang không biết bám vào đâu, trốn vào đâu!
Đánh một trận sạch không kinh ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hồng sụt toang đê vỡ
Thế là tình thế hoàn toàn đảo ngược. Quân giặc mạnh ban đầu làm cho Lê Lơi lo lắng, nay tình thế thay đổi hoàn toàn. Giặc Minh thành lũ bại trận thê thảm nhục nhã, chấp tay xin tha tội chết:
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng
Điều đáng cảm phục nhất là minh quân Lê Lợi, kẻ chiến thắng oai hùng, nhưng lại tỏ ra rất khoan dung, thể hiện một cách tuyệt chính nghĩa “Lấy chí nhân mà thay cuờng bạo” của dân tộc và bản chất nhân ái của đấng minh quân. Lê Lợi đã tha tội chết cho bọn giặc bại trận, lại còn cấp thuyền cấp ngựa cho bọn chúng lui về:
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc
Vuơng Thông Mã Anh phát cho vài nghìn cổ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run
Chiến thắng là chuyện đáng ca ngợi, nhưng thái độ nhân ái bao dung của người chiến thắng mới đáng cảm phục hơn. Thắng không kiêu, bại không nản, lại còn tỏ ra nhân đạo với bọn nghịch tặc, thì qủa là chỉ bậc minh quân mới có. Hơn thế nữa, trước những chiến thắng vẻ vang, đưa đất nước vào cõi thanh bình an lạc, Lê Lợi không hề tự vỗ ngực tự hào về công trạng của cá nhân mình, mà chỉ khiêm tốn tạ ơn Trời Đất và Tổ Tiên đã phù hộ nhà vua và dân Việt:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bỉ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc
Âu cũng nhờ Trời Đất Tổ Tông linh thiêng đã lặng thầm phù trợ
Cảm nhận những vần thơ Bình Ngô Đại Cáo, nhớ tới người xưa đã đem hết tim óc cứu nước và dựng nước, dân Việt không khỏi cảm thấy tủi nhục mỉa mai trước hiện thực đáng buồn hôm nay tại Việt Nam. Thật vậy, trong khi tổ tổ tiên đã đổ xương máu đánh đuổi giặc Tàu, dành lại chủ quyền và độc lập và thái bình cho dân nước, cộng sản Việt Nam lại nhẫn tâm phản bội tổ tiên, đem gia tài của mẹ hiến dâng cho ngoại bang.
Nếu ngày xưa “Trúc Nam Sơn không ghi hết tội và nước Đông Hải không rửa sạch mùi” tội ác của giặc Tàu và bọn con hoang Chiêu Thống, thì hôm nay, nước Biển Đông cũng không thể rửa sạch và cây lá Trường Sơn cũng không thể ghi hết tội ác của bọn Việt gian cộng sản và kẻ thù truyền kiếp từ Phương Bắc đang tái diễn chủ trương Bắc Thuộc mới. Trời Đất, Tổ Tông đã hộ phù Lê Lợi, chắc chắn cũng đang hộ phù dân Việt trong cuộc chiến đấu đập tan nội thù và ngoại tặc hôm nay..
Ngô Quốc Sĩ Minh Nguyện Hải Sơn xin tạm biệt, hẹn lại quí thính giả trong tiết mục TCYN lấn tới.

No comments:

Post a Comment