Wednesday, September 28, 2016

Trung cộng sẽ làm gì ở Scarborough

BìnhLuận

Ngoại Trưởng Trung cộng Vương Nghị; Nhật Bản, Fumio Kishida; và Ðại Hàn, Yun Byung gặp nhau ở Tokyo. Một đề tài nóng được thảo luận là việc Mỹ đưa giàn phòng thủ chống hỏa tiễn tầm cao THAAD tới Ðại Hàn, được Nhật Bản hoan nghênh. Bên ngoài, THAAD nhằm bảo vệ Nam Hàn chống Bắc Hàn. Nhưng cả Nga và Trung Cộng đều lên tiếng phản đối. Ðề tài thứ hai nóng bỏng hơn là cuộc đối đầu giữa Tokyo và Bắc Kinh tại Senkaku, mấy hòn đảo nhỏ người Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư. Từ đầu Tháng Tám, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã gửi thư phản đối 30 lần, mỗi lần tàu Trung Cộng đến gần Senkaku. Trung Cộng cũng xây dựng một cầu tầu mới trên một hòn đảo khác, bên ngoài thành phố Ôn Châu, nhòm ngó vùng tranh chấp, trong khi báo đài loan tin ồn ào và ca ngợi những ngư dân và chiến thuyền đang tiến đến gần Ðiếu Ngư biểu diễn màn “ái quốc” – nếu các ngư dân và chiến thuyền Việt Nam tiến sâu vào Hoàng Sa và Trường Sa thì dân Việt Nam cũng nức lòng như vậy!
Nhưng tại sao Tập Cận Bình lại ra lệnh gây ra cảnh trực diện đối đầu ở đảo Ðiếu Ngư, sau mấy năm biển lặng sóng yên và hai nước vẫn mua bán bình thường?
Họ Tập muốn dư luận dân chúng lục địa hướng về phía Bắc để họ quên bớt chuyện phía Nam, trong vùng biển Ðông Nam Á. Sau khi Tòa Trọng Tài phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò của họ tại vùng này ngày 12 Tháng Bảy, nhiều người vẫn chờ coi Trung Cộng trả đũa Philippines ra sao. Bắc Kinh có thể “dạy Manila một bài học,” bằng một hành động quyết liệt để xác định chủ quyền, chứng tỏ Tòa Trọng Tài chỉ là hư vị.
Nơi được chú ý nhất là vùng bãi Scarborough Shoal, mà Trung Cộng đã chiếm của Philippines từ năm 2012. Nếu Trung Cộng muốn chứng tỏ họ “bất chấp” phán quyết của Tòa Trọng Tài, họ chỉ cần biến vùng bãi Scarborough của thành một căn cứ quân sự mới, sau những hòn đảo nhân tạo trên những tảng đá chiếm của Việt Nam.
Ngoài mục đích xóa ảnh hưởng tâm lý của phán quyết ngày 12 Tháng Bảy của Tòa Trọng Tài, Trung Cộng còn những lý do khác để làm mạnh ở Scarborough: Một hành động phũ phàng ở đó sẽ đe dọa tất cả các nước Ðông Nam Á khác: Indonesia, Malaysia, Brunei, và Việt Nam. Một quốc gia nhỏ xíu cũng khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh muốn đe dọa là Singapore!
Trung Cộng có đủ lý do để “ra tay làm mạnh” ở Scarborough. Một cuộc “đầu tư” trên các bãi đá này không tốn kém bao nhiêu. Mặc dù dân Philippines hăng hái bảo vệ tổ quốc nhưng hải quân của họ khó đương đầu với quân Trung Cộng. Tân Tổng Thống Rodrigo Duterte lại đang muốn ve vãn Bắc Kinh để kiếm tiền xây dựng hạ tầng cơ sở. Bắc Kinh cũng có thể đánh cá rằng dân Mỹ không bao giờ muốn tham dự một cuộc chiến tranh với Trung Cộng chỉ vì mấy tảng đá tuốt bên bờ Tây Thái Bình Dương.
Nhưng tại sao từ gần hai tháng nay Trung Cộng chưa làm gì cả?
Trước mắt, lý do gần nhất là Trung Cộng sắp đóng vai chủ nhà tiếp đón hội nghị G-20 gồm 20 nước kinh tế phát triển nhất thế giới. Cuộc họp không diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, hay Thượng Hải, một trung tâm kinh tế, thương mại. Họ chọn Hàng Châu, một thành phố đầy thắng cảnh vẫn thu hút du khách ngoại quốc – với những dấu chân của các thi sĩ Bạch Cư Dị, Tô Ðông Pha, và con sông Tiền Ðường nơi cô Thúy Kiều tự trầm, chấm dứt quãng đời tục lụy.
Chọn Hàng Châu, Cộng Sản Trung Quốc muốn tự trình bày với một bộ mặt hiếu hòa, chỉ chăm lo việc phát triển kinh tế. Họ muốn cả thế giới quên các hành động xâm lăng vùng Biển Ðông. Ðặc biệt, họ không muốn ai trong hội nghị G-20 nói tới phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế vừa qua.
Nhưng trong tháng trước, tại hội nghị G-7 mà Trung Cộng không được dự, Mỹ, Nhật Bản và các nước Châu Âu đều nêu vấn đề an ninh vùng Biển Ðông và bản án Tòa Trọng Tài. Những quốc gia này sẽ khó mà giữ im lặng trên đề tài “nhạy cảm” này. Chúng ta chưa biết được họ sẽ nói câu chuyện đó nhiều và mạnh đến mức nào, để không làm mất mặt nước chủ nhà.
Nếu Trung Cộng mất mặt – lần nữa, sau khi thua kiện – thì chắc Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh hơn. Tàu chiến có thể kéo tới Scarborough, xây dựng ngay phi trường và căn cứ quân sự, đặt thế giới trước một sự đã rồi.
Tháng Mười tới là một thời điểm thuận lợi cho Trung Cộng, vì dân Mỹ sắp đi bầu tổng thống. Cả nước Mỹ sẽ bận rộn với “chuyện nội bộ” và Tổng Thống Obama sắp mãn nhiệm có thể không muốn dính vào một cuộc chiến tranh giữa Philippines và Trung Cộng, ngoài tầm quan tâm của trăm triệu cử tri Mỹ! Trung Cộng có thể đánh cá rằng ông tổng thống Mỹ sẽ chỉ lên tiếng phản đối cho đúng phép, sẽ huy động hạm đội Thái Bình Dương tới gần làm bộ bảo vệ Philippines, nhưng đến quá trễ! Hạm đội Mỹ cứ diễn hành chung quanh, máy bay qua lại trên trời, nhưng lính Tàu cứ tiếp tục xây cất các hòn đảo nhân tạo mới!
Nhưng đánh cá như vậy cũng hơi nguy hiểm. Bởi vì chính năm nay là một năm bàu cử nên ông Obama sẽ phải phản đối ứng liệt hơn. Nếu ông Obama phản ứng yếu, dân Mỹ sẽ thấy “quả nhiên” đảng Dân Chủ yếu ớt trước các vấn đề quốc phòng (như đảng Cộng Hòa vẫn nói vậy)! Kết quả là bà Clinton sẽ thua. Hơn nữa, ông Obama cũng không thể nào xóa sạch những thành tích của tám năm cầm quyền bằng một di sản đen tối để lại cho người kế vị ông, dù thuộc đảng nào. Nếu chính phủ Mỹ dự đoán Trung Cộng có thể “đánh trộm” ở Scarborough, thì mạng lưới tình báo, vệ tinh của họ có thể biết trước mấy ngày, thời gian đủ để họ phản đối mạnh mẽ bằng hành động. Chính phủ Philippines có đủ lý do để cầu cứu nước Mỹ, nhân danh các hiệp ước an ninh có sẵn. Và thế giới sẽ đứng về phía Philippines!
Nếu Trung Cộng muốn bành trướng tại vùng biển Philippines, chắc họ sẽ chờ cơ hội khác. Nếu Bắc Kinh mua chuộc được chính quyền mới của ông Duterte, họ sẽ đạt được những mục tiêu của họ mà không cần làm gì ở Scarborough nữa! Sau khi đã “bỏ túi” cả chính quyền cộng sản Việt Nam, nếu mua thêm được Philippines, tham vọng đường lưỡi bò của Bắc Kinh có thể hoàn tất mà không cần dùng vũ lực!
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment