Tuesday, September 6, 2016

Thua kiện ‘đường lưỡi bò’, Trung Quốc ‘tiến thoái lưỡng nan’

BìnhLuận
Ba câu hỏi đang được bàn cãi trong dư luận người Việt sau phán quyết ngày 12 tháng 7 của Tòa Trọng Tài ở Hòa Lan là:
1) Phán quyết có giá trị gì nếu Trung Quốc không tuân hành, tiếp tục phủ nhận và chống đối như họ đã nói?
2) Phán quyết này lợi hại cho Việt Nam như thế nào?
3) Việt Nam có nên kiện để đòi lại các đảo Trung Quốc đã chiếm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không?

Phán quyết 12 tháng 7 có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với hai bên tranh chấp, Philippines và Trung Quốc, mà còn là một án lệ có hiệu lực cho toàn thể các quốc gia liên quan đến Biển Ðông.
Sự kiện này chứng minh việc dùng quyền tài phán để giải quyết hòa bình những tranh chấp là một đường lối hoàn toàn khả thi và đem đến kết quả tích cực. Cùng với phán quyết về thẩm quyền hồi tháng 10, 2015, nhiều luận điểm Trung Quốc vẫn viện dẫn để tránh né khả năng áp dụng các biện pháp tài phán cho vấn đề Biển Ðông, đã bị bác bỏ.
Theo quy định của UNCLOS, phán quyết của một cơ quan tài phán được thành lập theo công ước, ở đây là Tòa Trọng Tài Thường Trực, có giá trị ràng buộc. Do đó dù tuyên bố không chấp nhận, nhưng với tính cách là một nước thành viên ký kết công ước, Trung Quốc đương nhiên có nghĩa vụ buộc phải thi hành.
Thế giới không có một cơ chế nào đủ quyền uy để bắt buộc các quốc gia thi hành đúng những luật lệ và quy định quốc tế. Nhưng thực tế lịch sử cho thấy khi giải quyết tranh chấp theo con đường tài phán, rất hiếm có quốc gia nào chống đối hoàn toàn và mãi mãi phán quyết của một tòa quốc tế. Về lâu về dài, thái độ ấy sẽ bất lợi cho quốc gia nhất là nước lớn như Trung Quốc có rất nhiều mối quan hệ quốc tế. Vì thế Trung Quốc có thể không tuân thủ ngay phán quyết của Tòa Trọng Tài, nhưng qua thời gian sẽ buộc phải điều chỉnh hành vi thái độ theo hướng phù hợp quan niệm chung của thế giới.
Không thể mong chờ tới một lúc nào Trung Quốc chịu tuyên bố chấp nhận phán quyết, và trước mắt, nước này có thể tiếp tục hay gia tăng những hành động hung hăng khiêu khích. Nhưng rồi sau phản ứng ban đầu ấy, dần dần Trung Quốc sẽ phải lặng lẽ lui bước trong hành động cũng như trong quá trình đàm phán với các nước vùng Biển Ðông.
***
Ðối với Việt Nam và tất cả các nước trong khu vực, phán quyết về Philippines-Trung Quốc đem đến lợi ích quan trọng nhất là việc phủ nhận cái gọi là Ðường Chín Ðoạn hay đường Lưỡi Bò. Tuyên bố đơn phương bất hợp pháp này là sáng tác từ thời Trung Hoa Dân Quốc và tới đầu thiên niên kỷ này nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc mới vin vào đó để tuyên bố chủ quyền của mình trên 85% diện tích Biển Ðông nghĩa là hơn 3 triệu km2 trên tổng số 3.5 triệu km2. Ðường Lưỡi Bò chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, và vùng biển các nước khác trong đó nhiều nhất là Việt Nam. Toàn thể hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm bên trong Ðường Lưỡi Bò.
PCA khẳng định, “Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi quyền lịch sử về các nguồn tài nguyên bên trong Ðường Lưỡi Bò.”
***
Một thắc mắc khác cần đề cập, khi tòa không công nhận quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Ðông thì cũng có nghĩa là không công nhận quyền lịch sử của tất cả các nước trong đó có Việt Nam. Chúng ta vẫn viện dẫn những bằng chứng lịch sử để chứng minh rằng “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, vậy nếu những bằng chứng này đủ tính thuyết phục thì có giá trị để đòi chủ quyền hai quần đảo này hay không?”
Ðây là một câu hỏi khó có lời giải đáp, trong nội dung 329 điều khoản và 9 phụ lục của UNCLOS, không có quy định bằng chúng lịch sử là một yếu tố để xác định chủ quyền. UNCLOS chỉ là công cụ để cộng đồng quốc tế duy trì trật tự, thượng tôn pháp luật trên biển, thiết lập quy định sử dụng đại dương và nguồn tài nguyên, ngăn chặn tham vọng chiếm đoạt chủ quyền bất hợp pháp.
Việt Nam và các nước Ðông Nam Á khác như Philippines, Indonesia, Brunei, Indonesia chưa bao giờ yêu sách “quyền lịch sử” ở Biển Ðông, và chỉ đòi hỏi các quyền như quy định của UNCLOS. Còn chủ quyền lãnh thổ (territorial sovereignty) trên các đảo là một khái niệm pháp lý khác, không do Tòa Trọng Tài quyết định được. Như thế phán quyết của tòa PCA không liên quan gì đến sự xác nhận hay phủ nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
***
Muốn đòi lại các đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, phải kiện ở một tòa án khác, Tòa Công Lý Quốc Tế ICJ (International Court of Justice) chứ không phải PCA. Hai tòa này đều dùng chung trụ sở là Lâu Ðài Hòa Bình ở thành phố The Hague, Hòa Lan, khiến người ta dễ lầm, nhưng hoàn toàn khác biệt về chức năng, thẩm quyền và phương pháp tài phán,
Không nên vội vã tiến hành vụ kiện này. Trước hết cần thu thập hết sức đầy đủ mọi bằng chứng trong quá trình tranh tụng, bao gồm cả những bằng chứng hỗ trợ và phản lại lý đoán của chúng ta.
Vụ Philippines kiện Trung Quốc kéo dài 3 năm, Philippines đã phải tập trung rất nhiều tài liệu và hồ sơ xét xử giải thích phán quyết của tòa dài tới 501 trang tiếng Anh. Thời gian ấy tuy vậy được xem như tương đối ngắn. Thời gian của một vụ tranh tụng tại tòa ICJ sẽ phải kéo dài ít nhất là trên 10 năm.
Cũng không có gì bảo đảm rằng tòa ICJ sẽ phán quyết có lợi cho Việt Nam hay cho Trung Quốc. Rất có thể tòa tuyên bố không đủ yếu tố để quyết định và nếu kháng cáo sẽ kéo dài thêm hàng chục năm nữa.
Vậy thì Việt Nam và các quốc gia Ðông Nam Á nên xem phán quyết của tòa PCA là một thắng lợi chung vì lần đầu tiên một tòa quốc tế công khai tuyên bố Trung Quốc vi phạm quy định và nghĩa vụ của UNCLOS.
Về mặt công pháp quốc tế, Trung Quốc lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, tuy nhiên nước này chắc chắn sẽ tận dụng vị thế và ảnh hưởng của họ, đặc biệt về kinh tế tài chính, để tiếp tục gây khó khăn chia rẽ các nước trong khu vực. Thái độ của ASEAN sẽ là điều kiện quan trọng trong sự đương đầu với Trung Quốc, nhưng khó có thể hy vọng một sự đoàn kết chặt chẽ giữa 10 quốc gia này, và liệu phán quyết 12 tháng 7 có góp sức cho mục tiêu ấy không?./.
Hà Tường Cát

No comments:

Post a Comment