Friday, September 23, 2016

Bài Học Brazil

QuanĐiểm

Ngày 31 tháng 8 vừa qua, Thượng viện nước Brazil bỏ phiếu truất phế Tổng thống Dilma Rousseff với tội danh “đục khoét ngân quỹ quốc gia”. Phó tổng thống Michel Temer, đang đảm nhiệm chức vụ Tổng thống lâm thời, tiếp tục giữ nhiệm vụ này cho đến hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2019.
Quyết định này kết thúc tiến trình kéo dài chưa tới một năm gồm các giai đoạn – điều tra, truy tố và xử án – vị nữ tổng thống đầu tiên của Brazil, quốc gia đông dân nhất ở Nam Mỹ. Nội vụ khởi đi từ việc một số báo chí và đảng phái tố cáo bà Rousseff đã xử dụng sai trái công quỹ, đặc biệt là tìm cách giấu nhẹm các thâm thủng ngân sách vì chi phí quá lớn cho các chương trình trợ cấp dân nghèo để giúp bà tái đắc cử nhiệm kỳ 2 trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 2014. Tiếp đó, Quốc Hội Brazil đã mở cuộc điều tra theo đúng quy định trong Hiến Pháp và ngày 17 tháng 4, hơn 2 phần ba dân biểu Hạ viện đã biểu quyết tán thành quyết định tiến hành thủ tục truất quyền. Ngày 2 tháng Năm, Thượng viện biểu quyết đình chỉ chức vụ tổng thống của Bà Rousseff để công cuộc điều tra được khách quan.
Bà Dilma Rousseff đắc cử tổng thống Brazil nhiệm kỳ 2011-2014, thay thế tổng thống Luiz Lula, vị tiền nhiệm 2 nhiệm kỳ trước đó và cũng là người đỡ đầu Bà. Ông Lula và bà Rousseff đều thuộc đảng Lao Động, một đảng chính trị thuộc cánh tả của Brazil.
Ngày 20 tháng 9 vừa qua, chính cựu tổng thống Luiz Lula cũng bị khởi tố tội danh “rửa tiền”. Ông bị cáo buộc, trong thời gian còn tại chức, đã lạm dụng chức vụ Tổng thống giúp một công ty xây cất trúng thàu với hãng dầu hoả quốc doanh Petrobras. Đổi lại, công ty này đã xây 1 biệt thự đắt giá do vợ ông đứng tên. Cả bà Rousseff lẫn ông Lula đều phủ nhận toàn bộ các tội danh và tố cáo ngược lại đây là một cuộc đảo chính do cánh hữu giật dây!
Vụ truất quyền tổng thống Rousseff và truy tố cựu tổng thống Lula là kết quả của chiến dịch bài trừ tham nhũng mang tên “Chiến dịch Rửa xe” – Operation Car Wash– do cơ quan Cảnh sát Liên bang Brazil phối hợp với toà án phát động từ tháng 3 năm 2014. Không những chỉ có có các lãnh tụ chính trị cánh tả bị truy tố mà cả những nghị sĩ, dân biểu và bộ trưởng thuộc cánh hữu cũng bị phanh phui đã cấu kết với giới tài phiệt để lũng đoàn nền chánh trị Brazil.
Nếu quốc gia Nam Mỹ này chỉ cần một chiến dịch chống tham nhũng kéo dài không đày 2 năm rưỡi đã đạt được kết quả lớn lao, rúng động như vậy thì ngược lại, tại Việt Nam suốt 30 năm qua, từ ngày đảng CSVN xem tham nhũng là một “quốc nạn” đe doạ đất nước, nhưng kết quả công cuộc diệt trừ tham nhũng vẫn chỉ là số không to tướng! Điển hình là mới đây, Ủy Ban Nhân Dân TP Sài Gòn vừa báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chỉ phát hiện được 1 trường hợp kê khai tài sản không trung thực. Trường hợp duy nhất này là hồ sơ khai báo năm 2014 của một nhân viên thuộc Đội quản lý Trật tự Đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh. Và nếu kiểm kê trên cả nước với 64 tỉnh thị, con số kê khai tài sản của gần 2 triệu nhân viên nhà nước các cấp, từ Chủ tịch nước trở xuống, chỉ có 17 trường hợp là đáng nghi ngờ trong suốt 10 năm qua, từ 2007 đến nay!
Với kết quả này, người dân ắt phải tự hỏi, phải chăng tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam chẳng thấm vào đâu so với Bazil? Nhưng nếu đúng như vậy, tại sao nhà cầm quyền CSVN trong suốt bao năm qua không ngớt hô hào, cảnh giác tham nhũng là một “quốc nạn”, có nguy cơ làm sụp đổ cả chế độ?
Hay là bộ máy phòng chống tham nhũng của Việt Nam nhỏ hơn của Brazil nên đã không phát hiện được các tội phạm? Giả thiết này cũng hoàn toàn sai vì tại Bazil, lực lượng chủ động tiến hành “Chiến dịch Rửa xe” chỉ vỏn vẹn gồm không đày 50 nhân viên cảnh sát cộng với duy nhất một chánh án. Trong khi đó, công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam được xem là một “quốc sách”, với sự tham gia của tất cả Bộ, các ban ngành của chánh phủ, từ trung ương đến địa phương, và gần đây đã được chuyển qua cho Đảng CSVN, trong đó đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Vậy tại sao với tài nguyên nhân vật lực gấp cả ngàn lần và thời gian kéo dài hàng chục lần hơn, công cuộc phòng chống tham nhũng của đảng CSVN lại hoàn toàn thất bại so với Brazil?
Nguyên do quan trọng và duy nhất chính là sự khác biệt thể chế chính trị. Đối với Brazil, sau khi chế độ quân phiệt bị dẹp bỏ, kể từ năm 1985, nền dân chủ của quốc gia này dần dà được phục hồi, với nguyên tắc tam quyền phân lập được đặc biệt đề cao và tôn trọng, cộng với sự lớn mạnh của các đảng chính trị và của các tổ chức xã hội dân sự. Đồng thời, quân đội và lực lượng an ninh-cảnh sát của Brazil bị buộc phải từ giã chính trường.
Trái với Brazil, Việt Nam là một quốc gia nằm dưới sự thống trị toàn diện và tuyệt đối của Đảng CSVN. Sự thống tri này được cụ thể hoá bằng việc Đảng CSVN nắm giữ toàn bộ guồng máy điều hành đất nước, cả chính phủ, quốc hội, hệ thống toà án, lẫn quân đội và lực lượng cảnh sát an ninh. Đảng CS cũng thâu tóm cả tất cả các cơ quan truyền thông, báo chí. Hơn thế nữa, sự thống trị tuyệt đối này còn được hiến định hoá bằng điều 4 của hiến pháp Việt Nam.
Sự kiện này dẫn đến thực tế là chỉ những đảng viên đảng CSVN mới nắm quyền lực nên mới có điều kiện tham nhũng, và cũng chỉ những đảng viên CSVN mới có quyền điều tra, truy tố, xử án những kẻ tham nhũng. Vì vậy trừ trường hợp “đấu đá nhau vì ăn chia không đều”, đảng CSVN chẳng bao giờ muốn “tự bắn vào chân mình”!
Nói tóm lại, tệ nạn tham nhũng là con đẻ của đảng CSVN, cho nên khi đất nước Việt Nam còn bị tập đoàn này cai trị thì sẽ không thể nào đẩy lui được tệ nạn này.
LLCQ

No comments:

Post a Comment