Wednesday, August 24, 2016

Tin tức ngày thứ Tư, 24.08.2016

TinTức

NGUYỄN HỮU QUỐC DUY BỊ BẠO QUYỀN KHÁNH HÒA KẾT ÁN 3 NĂM TÙ
Như tin đã loan, bạo quyền tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên xét xử Nguyễn Hữu Quốc Duy vào sáng qua tại Nha Trang, với bản án 3 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” trên dịch vụ Facebook. Cùng bị ra tòa với Quốc Duy là Nguyễn Hữu Thiên An, cũng lãnh án 2 năm tù.
Cần nhắc lại là anh Nguyễn Hữu Quốc Duy 31 tuổi, bị bắt vào tháng 11 năm ngoái, đến nay mới mang ra xét xử nhưng không luật sư nào được phép bào chữa tại phiên tòa. Dù trước đó, hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành, đã tình nguyện bào chữa miễn phí.
 
BÍ THƯ SÀI GÒN BẬT ĐÈN XANH CHO GIỚI CÔNG NHÂN TỔ CHỨC ĐÌNH CÔNG
Vào hôm qua, bí thư thành ủy Sài Gòn, ông Đinh La Thăng, kêu gọi các công đoàn nhà nước hãy mạnh dạn tổ chức các cuộc đình công nếu hành động này mang lại lợi ích thiết thực cho giới công nhân.
Phát biểu tại khu công nghiệp Tân Thuận – Sài Gòn, ông Thăng tuyên bố là trong thời gian qua, các cuộc đình công đều là tự phát, tạo sự bất ổn trong xã hội. Trước đó, trả lời câu hỏi của ông Thăng, bà Trần Kim Yến, chủ tịch Liên đoàn Lao động Sài Gòn, thú nhận là các công đoàn nhà nước chưa bao giờ tổ chức một cuộc đình công suốt mấy chục năm qua. Bà Yến cũng thừa nhận là những cuộc đình công tự phát của công nhân đã mang lại nhiều lợi ích cho họ.
Chính vì thế, ông Thăng yêu cầu Liên đoàn Lao động Sài Gòn hãy mạnh dạn tổ chức các cuộc đình công để tranh đấu cho quyền lợi của giới công nhân. Ông Thăng yêu cầu các thuộc cấp phải tự hỏi rằng, tại sao giới công đoàn luôn thất bại khi đến thương lượng với giới chủ nhân, trong khi giới công nhân thường đạt được kết quả mỗi khi tổ chức đình công?

DÂN THANH HÓA NGĂN CHẬN XE TẢI ĐỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SINH SỐNG
Quá phẫn nộ vì tình trạng ô nhiễm môi trường do các đoàn xe tải gây ra, hàng trăm người dân xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa, đã thiết lập chướng ngại vật trên đường khiến hàng trăm xe tải phải nằm chờ suốt 5 tiếng đồng hồ vào chiều tối thứ Hai vừa qua.
Cuộc phản kháng của người dân Hải Thượng khai diễn vào lúc 5 giờ chiều, khiến hàng trăm xe tải chở than và xi măng không thể lưu thông vì người dân cài đặt đủ loại vật dụng trên đường như đá tảng, bảng quảng cáo và bàn ghế.
Theo trình bày của cư dân thì các xe tải đã phá nát tỉnh lộ 513, xả khói bụi mù mịt và đe dọa đến tính mạng của người đi đường. Người dân Hải Thượng đã nhiều lần khiếu nại lên nhà cầm quyền địa phương nhưng không ai chịu giải quyết, kể cả giới công an giao thông. Vì thế người dân rủ nhau ra đường để thi hành pháp luật, buộc các xe tải phải phủ bạt và chạy chậm khi băng qua địa phận xã Hải Thượng.

CAMPUCHIA MỞ ĐƯỜNG VÀ ĐƯA DÂN ĐẾN SỐNG DỌC THEO BIÊN GIỚI VIỆT NAM
Nhà cầm quyền Hun Sen vừa loan báo kế hoạch xây dựng đường sá dọc theo biên giới Campuchia – Việt Nam và yêu cầu các địa phương đưa lưu dân đến sống tại các vùng giáp ranh với VN.
Kế hoạch này sẽ gây thêm căng thẳng giữa hai nước sau các vụ xung đột dữ dội ở biên giới suốt một năm qua. Theo một tờ báo Campuchia thì ông Hun Sen đưa ra dự án này sau khi bị dân chúng chỉ trích về tình trạng yếu kém của cơ sở hạ tầng ở tỉnh biên giới Takeo. Ông Hun Sen tuyên bố biện pháp tốt nhất là đưa dân đến sống tại các vùng biên giới phía đông, phía tây và phía bắc để bảo vệ lãnh thổ.
Cần nhắc lại là vào tuần trước, bộ ngoại giao Campuchia gửi công hàm yêu cầu VN phải chấm dứt các vụ xâm phạm lãnh thổ Campuchia, đặc biệt là việc thiết lập các tiền đồn quân sự và đào ao nuôi cá trên đất Campuchia.

HOA KỲ ĐỀ NGHI ĐẶT MỘT CÁI TÊN KHÁC CHO BIỂN ĐÔNG
Một nhà báo Hoa Kỳ vừa đưa ra đề nghị đặt một cái tên khác cho Biển Đông, thay vì cái tên quốc tế là South China Sea khiến Trung Cộng càng có cớ để khẳng định chủ quyền của họ tại hải lộ quan trọng này.
Theo ký giả Steve Mollman của Hoa Kỳ thì một trong những nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp ở Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp là do cái tên gọi mang nhiều ngộ nhận đó. Ngay cả trong phán quyết của tòa án quốc tế The Hague cũng gọi là Nam Hải, làm giảm đi ít nhiều tầm quan trọng của phán quyết này.
Cần nhắc lại là Indonesia đang có yêu cầu quốc tế đổi tên Biển Đông, và tự đặt tên vùng biển quanh quần đảo Natuna là “Biển Natuna”. Ba năm trước đây, Philippines cũng tự động đặt tên vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của mình là “Biển Tây Phi”. Và suốt 5 năm qua, đã có chiến dịch kêu gọi quốc tế đổi tên Biển Đông thành “Biển Đông Nam Á”.
Cần nói thêm là cái tên South China Sea, mà Trung Cộng gọi là Nam Hải, chỉ được xử dụng từ thập niên 1930 để phân biệt với vùng biển Hoa – Nhật mà Trung Cộng đặt tên là “Hoa Đông” để cho rằng là vùng biển của mình.

No comments:

Post a Comment