Saturday, August 20, 2016

Tin tức ngày thứ Sáu, 19.08.2016

TinTức

BÍ THƯ VÀ CHỦ TỊCH TỈNH YÊN BÁI BỊ BẮN CHẾT TẠI TRỤ SỞ
Trong một vụ án mạng chưa từng có trong chế độ CSVN, bí thư tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh Yên Bái đã bị bắn chết ngay tại trụ sở vào sáng hôm qua, và người được xem là hung thủ cũng tự sát ngay tại chỗ.
Theo giới truyền thông lề đảng thì vụ án kinh hoàng này diễn ra vào lúc 7 giờ 45 sáng hôm qua, khi ông Đỗ Cường Minh, chi cục trưởng kiểm lâm tiến vào văn phòng bí thư tỉnh ủy Phạm Duy Cường, dùng súng ngắn K-59 bắn 4 phát đạn vào đầu ông Cường. Sau đó hung thủ đóng cửa phòng rồi băng qua hành lang dài hơn 150 thước đến văn phòng chủ tịch hội đồng tỉnh Ngô Ngọc Tuấn để thêm bắn 3 phát súng vào đầu ông Tuấn, trước khi tự sát tại chỗ.
Điều đáng chú ý là trong các bản tin báo chí và các tuyên bố sau đó của giới chức trách có nhiều tình tiết rất đáng nghi ngờ về vụ án mạng này. Đầu tiên là một số báo chí loan tin hai tay bí thư và chủ tịch Yên Bái bị thương, kèm theo tấm ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến bệnh viện để thăm hỏi vào lúc 11 giờ sáng. Nhưng theo nguồn tin tỉnh ủy và công an Yên Bái thì hai nạn nhân và hung thủ đã chết trước 9 giờ sáng. Điều khả nghi thứ hai là ông Đỗ Cường Minh, người bị cho là hung thủ, được tuyên bố là tự sát nhưng đường đạn là đi từ sau gáy trổ ra phía trước. Hơn thế nữa, theo lời kể của một số quan chức tại trụ sở thì khi băng qua hành lang dài 150 thước để đến văn phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, ông Minh còn bắt tay thăm hỏi các quan chức xung quanh.
Đáng chú ý hơn nữa là bộ công an VN vào hôm qua nhanh chóng tuyên bố sẽ truy tố vụ án này, trong khi cả nạn nhân lẫn “hung thủ” đều đã chết thì ai là người bị truy tố? Theo một số nguồn tin thì nguyên nhân dẫn đến vụ án này là vì ông Minh sắp bị mất chức chi cục trưởng kiểm lâm trong cuộc dàn xếp nhân sự sắp tới của tỉnh ủy Yên Bái.

VIỆT NAM CHO PHÉP MỘT SỐ CỰU CHIẾN BINH ÚC VÀO THĂM CHIẾN ĐỊA LONG TÂN
Vào hôm qua, nhà cầm quyền VN vẫn giữ lệnh cấm tổ chức buổi tưởng niệm 50 năm trận đánh Long Tân nhưng cho phép một số cựu chiến binh Úc vào thăm chiến địa và làm một buổi lễ ngắn gọn tưởng niệm những đồng đội đã nằm xuống trong trận đánh đẫm máu vào ngày 18/8/1966.
Cần nhắc lại là sau 18 tháng thảo luận và đồng ý cho phía Úc tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm trận đánh Long Tân, vào hôm thứ Tư 17/8 nhà cầm quyền Hà Nội bất ngờ đưa ra tuyên bố cấm tổ chức buổi lễ, trong khi hàng ngàn cựu chiến binh Úc và gia đình đã đến VN từ mấy tuần trước để tham dự buổi lễ này.
Sau cuộc điện đàm giữa hai thủ tướng Úc – Việt, vào sáng hôm qua Hà Nội đồng ý cho phép tiến hành buổi lễ nhưng lại giới hạn số người tham gia là 100 người.
Cũng vào hôm qua thì bộ nông nghiệp Úc loan báo quy định mới về việc nhập cảng hải sản VN vào Úc. Theo đó thì các sản phẩm của VN sẽ bị phân làm hai loại, theo mức độ an toàn cao thấp và sẽ bị kiểm tra chặt chẽ. Theo giải thích của cục an toàn thực phẩm Úc thì qui định này đến từ các cảnh cáo của khối Âu châu về thảm họa cá chết do tập đoàn Formosa gây ra ở vùng biển miền trung.

VIỆT NAM ĐẶT MUA THÊM CÁC XE TĂNG T-90 LOẠI MỚI CỦA NGA
Một tờ báo VN vào hôm qua loan tin là Hà Nội đang thảo luận với một tập đoàn Nga để mua thêm loại xe tăng mới T-90MS, nhiều hơn con số 28 chiếc như hợp đồng ban đầu.
Đây là loại xe tăng đời mới, được nâng cấp từ loại tăng T-90 mà quân đội VN hiện đang sử dụng. Nguồn tin nói trên cũng cho biết là tập đoàn Almaty của Nga cũng mời mọc VN mua hệ thống huấn luyện trên màn hình về loại xe tăng T-72 và trực thăng Mi-17.
Trong một diễn biến khác thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào hôm qua tuyên bố là giới hữu trách phải chấm dứt tình trạng ăn uống thiếu thốn của các vận động viên VN, không có huấn luyện viên đi kèm trong thế vận hội và phải chỉnh đốn tình trạng các xạ thủ VN không có đạn dược khi thao luyện môn bắn súng. Ông Phúc đưa ra các tuyên bố trên sau khi giới báo chí phanh phui hoàn cảnh khốn khó của vận động viên VN khi tham dự thế vận hội Rio.

INDONESIA MUỐN ĐỔI TÊN BIỂN ĐÔNG THÀNH BIỂN NATUNA
Chính phủ Indonesia vừa loan báo ý định đổi tên Biển Đông thành Biển Natuna nhằm khẳng định chủ quyền của Nam Dương ở vùng biển có bán kính 200 hải lý tính từ trung tâm quần đảo Natuna.
Ahmad Santosa, người cầm đầu lực lượng đặc nhiệm 115 chuyên đối phó các vụ xâm nhập hải phận, cho biết đề nghị nói trên sẽ được chuyển đến Liên Hiệp Quốc và nếu không quốc gia nào phản đối thì các bản đồ sẽ ghi tên chính thức là Biển Natuna. Theo thị trưởng quần đảo Natuna thì việc thay đổi tên gọi sẽ giúp cho các tàu đánh cá ngoại quốc lưu ý là vùng biển này thuộc Nam Dương để tránh xâm nhập bất hợp pháp.
Cần nói thêm là Nam Dương vừa khởi công xây dựng một trại tạm giam qui mô, có sức chứa từ 300 đến 500 tù nhân bị bắt giữ trong các vụ đánh cá bất hợp pháp trong hải phận Nam Dương. Dự trù vào cuối năm 2016 này thì trại giam sẽ được khánh thành.

BA OANH TẠC CƠ HẠNG NẶNG CỦA MỸ BAY LƯỢN Ở BIỂN ĐÔNG
Trong một hành động nhằm đáp trả các hành động hung hăng của Trung Cộng, không quân Hoa Kỳ đã điều động 3 oanh tạc cơ chiến lược B1, B2 và B52, cất cánh từ đảo Guam đến bay lượn trên không phận Biển Đông và biển Hoa – Nhật.
Cần biết là sau khi tòa án quốc tế The Hague ra phán quyết phủ nhận đường lưỡi bò chủ quyền của Trung Cộng ở Biển Đông, Trung Cộng đã đưa nhiều chiến đấu cơ đến vùng biển này để phô trương sức mạnh của mình, trong đó có một oanh tạc cơ có khả năng ném bom nguyên tử.
Để đáp trả, vào hôm thứ Tư 17/8, không quân Mỹ cũng đưa 2 oanh tạc cơ B1 và B2, tức các máy bay có khả năng ném bom nguyên tử, và một pháo đài bay B-52 đến hai vùng biển mà Trung Cộng đang có dự tính thành lập “khu vực nhận dạng phòng không”.

BÀ AUNG SAN SUU KYI ĐƯỢC ĐÓN TIẾP TRỌNG THỂ Ở BẮC KINH
Mặc dù không là tổng thống Miến Điện, nhưng bà Aung San Suu Kyi đã được nhà cầm quyền Trung Cộng đón tiếp rất trọng thể khi đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh.
Trong tư cách là ngoại trưởng, bà Aung San Suu Kyi đã duyệt qua hàng quân danh dự của Trung Cộng trong chuyến công du được xem là vô cùng “tế nhị” sau khi Liên minh Quốc gia vì Dân chủ do bà thống lãnh lên cầm quyền tại Miến Điện sau nhiều thập niên phe quân đội cai trị đất nước này.
Một trong những nghị trình quan trọng mà bà Suu Kyi sẽ thảo luận với Trung Cộng là dự án đập thủy điện khổng lồ Myitsone do Trung Cộng đầu tư xây dựng nhưng bị dân chúng Miến Điện phản đối nên phải tạm ngừng.

No comments:

Post a Comment